Cổ phiếu HPG, HSG, NKG tăng mạnh: Sự trở lại của ngành thép hay chỉ là sóng ngắn?

Sự tỏa sáng của nhóm thép trong phiên 3/3 khiến nhà đầu tư dành nhiều sự chú ý hơn. Nhưng xu hướng tăng dài hạn của nhóm thép liệu có được duy trì dài lâu?

Sự đồng khởi của nhóm bank là điểm sáng giúp VN-Index lấy lại mốc 1.500 điểm trong phiên giao dịch 3/3 sau phiên chỉnh mạnh trước đó. Đặc biệt sau một thời gian điều chỉnh sâu, nhóm thép trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền khi đồng loạt "xanh tím".

"Anh cả" HPG đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ thị trường khi trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn tác động tích cực nhất tới VN-Index với mức tăng đến 6,8% lên mốc 50.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng mạnh lên mức hơn 76 triệu đơn vị, dư mua gần 540.000 đơn vị.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng mạnh 6,2% lên mức 42.100 đồng/cp với thanh khoản hơn 21 triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim cũng bốc đầu khi tăng 6,2% lên 49.800 đồng/cp cùng thanh khoản hơn 15 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, một số cổ phiếu thép khác cũng đua nhau bật tăng như TLH (5,4%), SMC (+4,4%), POM (+6,9%).

Cả họ thép tăng mạnh phiên 3/3.

Cổ phiếu ngành thép hút được dòng tiền nhờ ảnh hưởng tích cực khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu thép lớn có thể hưởng lợi khi EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga, Ukraine.

Nga đang xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào EU (Sau Thổ Nhĩ Kỳ), chiếm tỷ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như Ukraine là 8% thép dẹt và 7,4% thép dài, với Belarus là 14,4% thép dài, với Trung Quốc là 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.

Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này (NKG, HSG). Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU.

BSC có quan điểm khả quan đối với cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thép lớn, đặc biệt là nhóm tôn mạ có xuất khẩu vào EU như NKG, HSG, do có thể hưởng lợi nếu EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga và Belarus, Ukraine không duy trì sản xuất được do chiến tranh.

Điểm cần lưu ý là EU vẫn áp hạn ngạch nhập khẩu (> 3% sẽ tăng bước thuế) lên các quốc gia xuất khẩu vào đây, hiện Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 2% nhập khẩu thép dẹt của khối này.

Còn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm ngành thép có thể hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi tại nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn hơn ở thị trường nước ngoài.

Theo đó, VDSC cho rằng tiêu thụ nội địa có thể phục hồi trong quý 4/2021 và 2022 do nền kinh tế mở cửa trở lại và các khoản đầu tư công. Sau khi nới lỏng các biện pháp quản lý xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt là ở miền Nam, tiêu thụ nội địa đã phục hồi ở các mảng chính khi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tăng lần lượt 60% và 19% trong tháng 10.

Bên cạnh đó, VDSC tin rằng hoạt động xây dựng dân dụng có khả năng phục hồi vào năm 2022 từ mức nền thấp, thúc đẩy nhu cầu đối với thép. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thuận lợi cho ngành thép.

Mặt khác, xuất khẩu thép có thể gặp nhiều thách thức hơn sau một năm rất thành công. Việc hưởng lợi từ sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất thép thế giới có thể giảm dần do việc tiêm phòng sẽ cải thiện nguồn cung lao động tại thị trường xuất khẩu.

Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về giá thép ở các thị trường này do chênh lệch giá lớn và tạo ra những bất ổn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Giá thép xây dựng tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí sản xuất và cung cầu trong nước. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu có thể vẫn ổn định do các nhà sản xuất Việt Nam có chính sách môi trường ít khắt khe hơn so với các nước phát triển.

Nguồn: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/co-phieu-hpg-hsg-nkg-tang-manh-su-tro-lai-cua-nganh-thep-hay-chi-la-song-ngan-133506.html