Cổ phiếu thuỷ sản “nổi sóng”

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu DN ngành thủy sản có nhiều phiên tăng điểm đáng kể.

Cổ phiếu thuỷ sản “nổi sóng”

Chẳng hạn trong phiên 10/9, với TS4 của Thủy sản số 4 (+5,8%), HVG của Hùng Vương (+4,7%), DHC của Đông Hải Bến Tre (+3,8%) và VHC của Vĩnh Hoàn (+1,8%). Trong phiên tiếp theo, ở nhóm cổ phiếu thủy sản, các đại diện tăng mạnh tiếp tục là FMC (+6,9%), HVG (+6,7%), TS4 (+7,0%)…

Trong 20 phiên giao dịch gần nhất, nhóm ngành cổ phiếu thuỷ sản giao dịch khá sôi động với khối lượng giao dịch đạt 2,8 triệu CP/phiên, tăng 50% so với thời điểm giữa tháng 8/2014. Thông tin dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vào Nga tại một số DN được cho là yếu tố quan trọng giúp đà tăng của nhóm cổ phiếu này duy trì từ đầu tháng 9 đến nay.

Theo thống kê của Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng đầu 2014 đạt 36,2 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này nhờ Nga đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra (chiếm khoảng 40% tổng giá trị) từ Việt Nam.

Từ 31/1/2014, Nga cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam do cá tra không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nên giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 22 - 28%.

Vào tháng 6/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Đoàn công tác sang Nga để thúc đẩy hợp tác kiểm soát ATVSTP và khai thông xuất khẩu cá tra vào Nga. Theo đó, trong 50 DN xuất khẩu cá tra Việt Nam được đề nghị phía Nga xem xét, có 30 DN cá tra được dỡ bỏ lệnh cấm và xuất khẩu trở lại vào Nga.

Thêm vào đó, Nga đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Na Uy (cá hồi), Mỹ (trứng cá, cá tuyết), EU (cá thu, cá sacđin), Canada và Australia trong vòng 1 năm từ ngày 7/8/2014 vì vấn đề chính trị liên quan đến Ukraine.

Theo CTCK Maybank Kim Eng, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam và các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Cá tra Việt Nam sẽ có cơ hội để thay thế nguồn cá thịt trắng bị hạn chế nhập khẩu vào Nga do lệnh cấm trên.

Các DN niêm yết được phép xuất khẩu vào Liên minh Hải quan (Liên bang Nga, Kazakhstan và Belarus) bao gồm: CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thủy sản Sao Ta (FMC) và CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu vào thị trường Nga của các DN trên lần lượt khoảng 27%, 4%, 3% và 1%. Như vậy, HVG được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thông tin trên.

Trong 20 phiên giao dịch gần nhất, HVG có mức biến động giá 7.800 đồng/CP, tương đương mức tăng 34,67%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 1,3 triệu CP/ngày. Đóng cửa phiên ngày 12/9, HVG đạt mức giá 30.300 đồng/CP.

Trong năm 2013, giá trị cá tra xuất khẩu sang Nga của HVG là khoảng 56 triệu USD, đóng góp 27% vào tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Công ty. Với thông tin trên, MBKE kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2014 của HVG sẽ khả quan và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên cuối tuần trước, VHC của CTCP Vĩnh Hoàn đóng cửa ở mức giá 55.500 đồng/CP. Tính từ đầu năm đến nay, VHC đã có mức tăng giá lên đến hơn 150%. Theo đánh giá của CTCK Maybank Kim Eng, VHC ghi nhận xu hướng tăng rõ ràng từ giai đoạn tháng 6 đến nay, sau một giai đoạn điều chỉnh nhẹ.

Là DN có lợi thế tự chủ về nguồn nguyên liệu, luỹ kế 6 tháng đầu năm, CTCP Thuỷ sản số 4 (TS4) đạt 8,83 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 27,95%. Cổ phiếu TS4 đóng cửa phiên cuối tuần với mức giá 13.800 đồng/CP. Trong suốt tháng 8, TS4 tích luỹ đi ngang trong khoảng 10.500 - 11.500 đồng/CP.

Cổ phiếu VHC nổi sóng cũng dễ hiểu khi thông tin thương vụ bán Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Philippines với giá 19,6 triệu USD sẽ được ghi nhận trong quý III/2014. Việc bán nhà máy chế biến thức ăn nhằm tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là đầu tư dự án collagen đã được Công ty đầu tư 6 năm nay và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.

Dự án này kỳ vọng sẽ mang lợi nhuận tích cực cho VHC trong 2015. Ngoài thương vụ này, giữa tháng 8 vừa qua, VHC công bố bán 85% vốn Vĩnh Hoàn Hoa Kỳ với giá 425.000 USD. Đồng thời, VHC cũng đưa ra kế hoạch mua thêm nhà máy trong 2 năm 2014 – 2015.

Mới đây, VHC quyết định chi 360 tỷ đồng để mua CTCP Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang. Được biết, công ty này sở hữu vùng nuôi cá tra 83,3 héc-ta, có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy trong năm 2014.

Thuỷ sản Minh Phú (MPC), DN thuỷ sản với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và đang chuẩn bị những bước cần thiết để rời sàn. Lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 500 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ. Tính đến 30/6/2014, MPC có 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, cổ tức 50% cho 6 tháng đầu năm 2014.

Thông tin trả cổ tức được đưa ra từ hồi tháng 7 khiến giá cổ phiếu MPC tăng ngoạn mục từ mức dưới 40.000 đồng/CP lên 80.000 đồng/CP hiện nay. Để có thể rời sàn, MPC đang cố gắng gom đủ 16 triệu cổ phiếu quỹ ở mức giá quanh ngưỡng 20.000 - 30.000 đồng/CP nhưng vẫn chưa thành.

Phan Hằng

{fcomment}