Con tàu đường sắt nhọc nhằn tăng tốc

Bộ trưởng Đinh La Thăng hài lòng về quá trình đổi mới của Tổng công ty Đường sắt năm qua. Chủ tịch Đường sắt Trần Ngọc Thành nói ngành đã phải "hy sinh" rất nhiều để đạt được điều đó.

Bản báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt công bố trong tuần cuối năm 2014 cho thấy nhiều con số ấn tượng. Dù bị cạnh tranh khốc liệt bởi những loại hình vận tải khác, doanh thu toàn đơn vị vẫn tăng 11%, đạt 5.100 tỷ đồng. Lượng hành khách tuy có giảm gần 1% song bù lại, vận tải hàng hóa đã tăng trưởng đột biến - 11%.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, người được Bộ trưởng Đinh La Thăng giao nhiệm vụ "cầm tay chỉ việc" cho Tổng công ty thừa nhận "đây là những con số mà đầu năm không ai dám nghĩ tới".

Dù vậy, ông Đông nói điều hài lòng hơn nữa là việc đổi mới tư duy từ cán bộ tới mỗi nhân viên, khiến chất lượng dịch vụ đã theo hướng thị trường hơn, thân thiện hơn. "Tôi thường hỏi những người đi tàu, từ cán bộ cao đến người thân trong nhà xem họ cảm nhận thế nào. Câu trả lời của họ phần lớn là hài lòng hơn trước rất nhiều", Thứ trưởng kể.

Một trong những biểu hiện khiến người đi tàu ấn tượng nhất là tỷ lệ đúng giờ của các đoàn tàu tăng lên đáng kể. Tỷ lệ đi và đến đúng giờ của tàu Thống nhất lần lượt là 98,8% và 79%, cao hơn năm ngoái từ 0,1-5,7%.

Đặc biệt, sau khi xây dựng lại biểu đồ chạy tàu, trong ba tháng cuối năm con số ấy tăng đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, hình ảnh những nhà gang khang trang hơn với cầu vượt, mái che, đường ke đến tận cửa lên tàu. Năm 2014 cũng là năm hệ thống bán vé điện tử tàu tết đã được hoàn thiện, cảnh ùn tắc xếp hàng mua vé tại Ga Sài Gòn đã bớt ám ảnh hơn với người về quê mỗi dịp cuối năm.

"Tuy nhiên, cái được lớn nhất của đường sắt không phải là cầu vượt, mái che hay những phong trào mà đó là biểu hiện của thay đổi tư duy thị trường, thích ứng với cơ chế thị trường", Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Ngọc Thành nhìn nhận.

4-4369-1413734659-7139-1419521177.jpg

Ga Hà Nội khang trang hơn, thân thiện hơn cũng là hình ảnh mới của ngành đường sắt Ảnh: Quý Đoàn

Lãnh đạo Tổng công ty cho rằng, thành quả đáng kể nhất trong năm qua là doanh nghiệp đã định hình lại được mô hình bộ máy, làm cho "con tàu Đường sắt" vốn nổi tiếng cồng kềnh, chậm chạp đã tin gọn để bước vào năm 2015 với nhiệm vụ sống còn - cổ phần hóa hơn 20 doanh nghiệp.

Theo ông Thành, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2 doanh nghiệp vận tải lớn nhất là Đường sắt hành khách Hà Nội và Sài Gòn sẽ hoạt động theo mô hình công ty một thành viên trên cơ sở sáp nhập 4 công ty lớn từ hai khối vận tải và sức kéo, tạo đà để đến tháng 10/2015 sẽ tiến hành cổ phần hóa hai thành viên chủ lực này. Tương tự, tại công ty mẹ, số ban cũng được tinh giảm từ 15 xuống còn 11.

Để thu gọn bộ máy như vậy, đã có ít nhất 18 phòng ban bị phải giải thể, sáp nhập - tương đương với cả trăm cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên phải rời ghế. Chủ tịch Trần Ngọc Thành miêu tả "đó là cả một sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự đổi mới của ngành".

Cùng với đó, trước ngày kết thúc năm 2014, đã có 2 đơn vị hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa là công ty TNHH MTV In đường sắt và In đường sắt Sài Gòn. Chỉ trong nửa cuối năm qua cũng đã có 5/13 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn, thu về hơn 80 tỷ đồng.

Những con số ấy càng ấn tượng hơn nếu nhớ lại hơn nửa năm trước, sự đổi mới của "ông lớn" này không ít lần bị lãnh đạo ngành giao thông chê là "chỉ diễn ra trên lời nói". 

Khi ấy, chính ông Trần Ngọc Thành cũng đã bị Bộ trưởng Thăng phê bình bằng văn bản. Tổng giám đốc Nguyễn Đạt Tường phải thôi chức dù vẫn được đánh giá "là người tốt" để nhường ghế cho người dám làm, dám đột phá. Tổng công ty bị Bộ trưởng Giao thông gọi là "Bộ Đường sắt" như là biểu tượng của sự trì trệ cả trong tư tưởng và hoạt động.

Tuy vậy, với những kết quả kể trên, "những lời có cánh" đã liên tục được các lãnh đạo cao nhất của Bộ chủ quản giành tặng doanh nghiệp này.

"Trong một năm mà ngành giao thông điểm tối nhiều hơn điểm sáng thì đổi mới của Tổng đường sắt khiến tôi rất hài lòng", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét. Người đứng đầu ngành kỳ vọng, 2015 sẽ là năm con tàu này lột xác hoàn toàn từ tu duy đến cơ sở hạ tầng.

Là người làm việc trực tiếp với Tổng công ty hàng tuần, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiệm lời hơn khi nói rằng "đổi mới về hạ tầng như nhà ga, bán vé điện tử là những đốm sáng. Còn thay đổi về tư duy theo hướng thị trường hơn ở đường sắt chính là điểm sáng của ngành giao thông".

Dù thừa nhận kết quả trên đã là điều "ngoài mong đợi" khi soi lại với kế hoạch hồi đầu năm nhưng ông Đông cho rằng doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết cơ hội. Dẫn ví dụ từ chủ trương kiểm soát tải trọng xe, Thứ trưởng nói nếu tận dụng tốt thời cơ ấy thì vận tải hàng hóa còn có thể cao hơn nữa.

"Lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn đã có song tôi vẫn cảm giác đang theo kiểu dàn hàng ngang. Ngay cái đích tháng 10/2015 hai doanh nghiệp vận tải lớn nhất sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì tính khả thi vẫn chưa rõ", ông Đông thận trọng.

Tuy vậy, Thứ trưởng chia sẻ, niềm tin của người dân, của chính nhân viên ngành đường sắt vào công cuộc đổi mới con tàu cũ kỹ này đã trở lại là bước chạy đà tốt để doanh nghiệp tăng tốc trong năm tới. 

Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng nhìn nhận 2015 sẽ là năm quyết định thành bại của quá trình đổi mới doanh nghiệp khi mà cùng với 2 đơn vị chủ lực của khối vận tải, danh sách các công ty cổ phần hóa trong năm tới còn có 20 cái tên thuộc khối quản lý hạ tầng.

"Phải xóa bỏ triệt để tư tưởng ỷ lại, xin cho trong từng doanh nghiệp. Tiêu chí đáp ứng đòi hỏi của thị trường phải là chỉ tiêu cao nhất", ông Tùng nhấn mạnh.

Chí Hiếu

Theo Vnexpress