Việt Nam còn thể hiện tinh thần tương trợ quốc tế giữa đại dịch được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Trái tim Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế
Mới đây, Việt Nam công bố quyên góp 500.000 USD cho COVAX - cơ chế chia sẻ vắc-xin COVID-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu. Bày tỏ lời cảm ơn tới Việt Nam, một đại diện của COVAX chia sẻ: “Huy động sự vào cuộc của mọi quốc gia, mọi nguồn lực sẽ phát huy sức mạnh. Một minh chứng là sự đóng góp hào phóng của Việt Nam. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của Việt Nam, mặc dù đang rất thiếu thốn vắc-xin nhưng vẫn góp phần vào nỗ lực chống dịch toàn cầu”.
Ở giữa tâm dịch, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam tổ chức hội thảo online tôn vinh tư tưởng Hồ Chí Minh. Chị Prava, Thư ký của ủy ban nhấn mạnh tới những giá trị nhân văn cao đẹp trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn mãi muôn đời, di sản truyền đến thế hệ mai sau. Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, ở thành phố Kolkata, nơi dựng tượng Bác và bang Tây Bengal, tư tưởng Hồ Chí Minh được người dân đọc nhiều nhất. Để phát huy và làm theo lời Bác, cách tốt nhất là giúp đỡ người nghèo, những người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cơn sóng thần đại dịch. Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ giữa tâm dịch đã hỗ trợ người nghèo ở bang thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. “Chúng tôi ở đây, theo sát các bạn trong tình đoàn kết và hữu nghị”, Đại sứ chia sẻ.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đã gửi lời cảm ơn tới những chiến sĩ Quân khu 7 vận chuyển hàng cứu trợ tới người gốc Việt và Khmer: “Xin trân trọng chia sẻ với sự biết ơn sâu sắc hình ảnh chiến sĩ Quân khu 7 giúp vận chuyển hàng cứu trợ đợt 2 gồm 15 tấn gạo, 1.000 thùng mỳ tôm, 250.000 khẩu trang y tế và 325 lít dung dịch sát khuẩn của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ủng hộ cộng đồng người gốc Việt và Khmer có hoàn cảnh khó khăn trong trong đại dịch COVID-19. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các anh luôn xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, quân đội nhân dân, xung phong nơi tuyến đầu, thầm lặng hy sinh vì bà con và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa 2 đất nước”.
Ở khắp 5 châu, hình ảnh người bác sĩ trong tấm áo blue trắng cao quý đang ngày đêm chiến đấu vì bệnh nhân COVID-19, trong đó có những người hùng gốc Việt. BS. Tiền Võ đã được người dân tại quận vùng biên Imperial Valley, Hoa Kỳ coi là người hùng chống dịch. Suốt gần 1 năm làm việc không có ngày nghỉ, anh đã xét nghiệm và điều trị miễn phí cho hàng nghìn người dân ở quận Imperial Valley. Bà Patriacia Anez, tình nguyện viên của nhóm “Bữa ăn chữa lành” cho biết: “BS. Võ đã giúp đỡ bệnh nhân COVID-19 nghèo khó có đồ ăn để yên tâm cách ly. Đối với tôi, bác sĩ Võ là một anh hùng”. Không chỉ BS. Võ, có những nhân viên y tế gốc Việt ở Mỹ và đâu đó nhiều nơi trên thế giới miệt mài với công tác xét nghiệm hay điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giây phút nghỉ giữa giờ đối với họ thật hiếm hoi và vội vã.
Những tín hiệu lạc quan
Câu chuyện thành công của Việt Nam đó chính là phát huy tối đa sức mạnh từ những nguồn lực sẵn có. “Truy vết thần tốc” chính là bí quyết giúp Việt Nam ngăn ngừa và khống chế các ổ dịch. Đó là ý kiến của TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam và TS. Mathew Moore - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Về thành tựu phát triển kinh tế, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực. Niềm tin nhà đầu tư vào Việt Nam đang rất tốt, FDI vào Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Theo dự báo, FDI ròng sẽ ở mức 4% GDP trong năm 2021-2022. Với sự gia tăng của chu kỳ công nghệ, dòng vốn FDI ổn định và nhiều vốn FTA. Việt Nam vẫn là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á.
Việt Nam đã đàm phán với đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất vắc -xin COVID-19, quy mô 100-200 triệu liều/năm. Và hiện nay, Việt Nam phê duyệt thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin phòng COVID-19 Nano Covax.
Việt Nam cũng nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới với mục tiêu đảm bảo 150-170 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân Việt Nam trong năm 2021. Đồng thời, Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19 ra đời nhằm kêu gọi sự ủng hộ của người dân trong nước để đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin. Những chiến dịch vận động quyên góp đã được người Việt xa xứ triển khai ở Đức, Séc, LB Nga, Ukraine, Canada, Australia,... ủng hộ. Hành động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã lan tỏa sức mạnh đoàn kết dân tộc và thể hiện tinh thần chung sức cùng đất nước chống dịch. Hội người Việt tại Séc mới đây trao tặng 500 triệu đồng ủng hộ quỹ. Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng góp sức với hoạt động gây quỹ 10.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 cho Việt Nam.
Nhân Ngày Sức khỏe thế giới, TS. Takeshi Kasai - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã trả lời câu hỏi của tất cả phóng viên quốc tế tham dự họp báo, trong đó có câu hỏi của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống. TS. Takeshi Kasai đã chúc mừng những thành công của Việt Nam trong khống chế dịch COVID-19 đồng thời ông bày tỏ lạc quan về vắc-xin “Made in Vietnam”. Ông cho rằng, vắc-xin COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu sản xuất hay vắc-xin qua hợp tác chuyển giao công nghệ đều có tiềm năng đóng góp cho thế giới.