Dự trữ đồng trên các sàn toàn cầu chỉ đủ đáp nhu cầu tiêu thụ trong ba ngày

Các kho dự trữ đồng ở các sàn giao dịch kim loại trên toàn cầu đã giảm về mức rất thấp, hơn 200.000 tấn, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ chưa đến 3 ngày.

Các cuộn ống đồng ở một nhà máy tại TP. Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press

Giới phân tích đang lạc quan về triển vọng thị trường đồng trong ngắn hạn lẫn dài hạn do nguồn cung thắt chặt kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt, trong bối cảnh thế giới tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch vốn đòi hỏi các hạ tầng sử dụng nhiều kim loại dẫn điện này.

Sau khi tăng giá 26% trong năm 2021, đồng đang chật vật tìm hướng đi rõ ràng hơn trong năm 2022. Hôm 9-2, giá đồng giao tháng 3 trên Sàn giao dịch hàng hóa Comex ở New York tăng lên mức 4,58 đô la/pound, tương đương, 10.095 đô la/tấn, ngưỡng giá mà đồng từng bị đánh bật lui hai lần trong đầu năm nay.

Giá đồng tương lại ở sàn Comex đã từng chạm mức giá cao kỷ lục 10.770 đô la/tấn vào tháng 5 năm ngoái, rồi điều chỉnh giảm trước khi quay trở lại sát mức này một lần nữa hồi giữa tháng 10 sau khi các kho dự trữ đồng thương mại trên thế giới cạn kiệt với lượng đồng tồn kho ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974.

Giờ đây, lượng đồng ở các kho dự trữ thương mại trên toàn cầu một lần nữa tiếp cận mức thấp trong lịch sử, với chỉ 200.402 tấn tồn kho ở sàn LME, sàn Comex và sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thương Hải (SHFE), trong đó, sàn Comex nắm giữ hơn một nửa tổng số.

Con số này thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đồng trên toàn cầu trong 3 ngày. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính năm ngoái, thế giới lần đầu tiên tiêu thụ hơn 30 triệu tấn đồng, trung bình gần 83.000 tấn mỗi ngày.

Đó là mức dự trữ rất thấp nếu so với các hàng hóa khác, chẳng hạn lượng dầu thô ở các kho dự trữ thương mại trên toàn cầu luôn duy trì ổn định ở mức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong 60 ngày hoặc hơn. Thị trường đồng không có tính thanh khoản cao như dầu thô nhưng thị trường dầu cũng không xa lạ gì với những cú sốc suy giảm hàng tồn kho.

Lượng đồng mà Cục Dự trữ chiến lược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc đang nắm giữ ước tính khoảng 2 triệu tấn.

Khi giá đồng thiết lập mức cao kỷ lục hồi tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã tìm cách ghìm cơn sốt giá này bằng cách bán đấu giá đồng từ kho dự trữ chiến lược lần đầu tiên kể từ năm 2005. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ bán ra chưa đến 100.000 tấn đồng, không gây bất ngờ và không đủ để hạ nhiệt thị trường đồng ở trong nước và ngoài nước.

Giá đồng tăng cao cũng dẫn đến những trò gian lận vô tiền khoáng hậu, gây thiệt hại cho những nhà giao dịch sốt sắng mua mặt hàng này.

Mùa hè năm ngoái, Công ty kinh doanh hàng hóa Mercuria Energy Group (Thụy Sĩ) đã đạt được thỏa thuận mua đồng trị giá 36 triệu đô la từ một nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi lô hàng đến Trung Quốc, công ty này mới phát hiện bên trong các container chỉ toàn là đá lát vỉa hè. Trước khi được đưa lên tàu để khởi hành từ một cảng gần Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho chuyến hành trình đến Trung Quốc, khoảng 6.000 tấn đồng xốp (có hàm lượng đồng 97-98%) trong hơn 300 container đã tráo bằng bằng đá lát vỉa hè, được phun sơn để giống kim loại bán tinh chế này.

Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Michael Widmer, nhà chiến lược thị trường hàng hóa ở Ngân hàng Bank of America, dự báo giá đồng có thể tăng lên mức 13.000 đô la/ tấn trong những năm tới do nguồn cung ngày càng bị bỏ xa so với nhu cầu đang tăng. Hồi tháng 4-2021, Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đồng là “dầu thô mới” vì vai trò quan trọng của nó trong cuộc chuyển đổi toàn sang các năng lượng bền vững hơn để đạt các mục tiêu giảm khí thải trong Thỏa thuận khí hậu Paris. Ngân hàng này dự báo giá đồng sẽ đạt mức 15.000 đô la/tấn vào năm 2015.

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg hồi cuối tháng 1, Jeff Currie, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu ở Ngân hàng Goldman Sachs, một lần nữa gọi đồng là “dầu thô mới”.

Dù vậy, triển vọng thị trường đồng trong năm 2022 vẫn không chắc chắn. Trong một báo cáo công bố hồi tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá đồng trong năm 2022 sẽ giảm về mức trung bình 8.800 đô la/tấn trong năm nay nhờ sản lượng đồng toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Dự báo này được xây dựng dựa trên nhận định nguồn cung quặng đồng tăng lên sau khi mỏ đồng Kamoa-Kakula ở Cộng hòa Dân chủ Congo đi vào hoạt động kể từ tháng 7 năm ngoái, trong khi nhu cầu toàn cầu sẽ suy giảm do hoạt động xây dựng chậm lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc bắt đầu tung ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng tiền tệ và thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng. Động thái này cùng với lượng đồng dự trữ thương mại cạn kiệt trên toàn cầu đang hỗ trợ thị trường đồng trong ngắn hạn.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/du-tru-dong-tren-cac-san-toan-cau-chi-du-dap-nhu-cau-tieu-thu-trong-ba-ngay/