Gần 90 công ty lần đầu đạt hàng Việt Nam chất lượng cao

Năm nay có 95 doanh nghiệp tạm rời khỏi danh sách bình chọn, nhiều hơn so với năm 2020.

Ngày 22-3, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) công bố kết quả 524 doanh nghiệp (DN) chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC 2022 do người tiêu dùng (NTD) bình chọn.

Trong đó, có 87 DN mới đạt lần đầu và tập trung hơn vào nhóm DN thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường đạt Ocoop 5 sao; DN khởi nghiệp hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất. Đặc biệt, có 36 DN được NTD bình chọn liên tiếp 26 năm.

Kết quả khảo sát cho thấy có 2.830 DN được nhắc tên trong tất cả các nhóm sản phẩm với gần 30.000 lượt bầu chọn.

Ông Nguyễn Văn Phượng, bộ phận thực hiện khảo sát Hội HVNCLC cho biết, năm nay có 95 DN tạm rời khỏi danh sách bình chọn, nhiều hơn so với năm 2020 (54 DN). Số DN tạm rời danh sách tập trung nhiều nhóm DN phi thực phẩm như da giày, may thêu, hàng điện tử…

Nguyên nhân là do trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều DN thu hẹp quy mô sản xuất, thu hẹp thị trường, thậm chí nhiều DN khó khăn đứng trên bờ vực phá sản.

Đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao là điều kiện ưu tiên để doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị. Ảnh minh họa TÚ UYÊN

Theo đánh giá của Ban tổ chức, thị trường vẫn còn quá khó khăn, người bán ế ẩm; hàng hóa của DN bị tồn kho. Số DN chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất cầm chừng hiện vẫn còn khá nhiều.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn khi ngay tại thời điểm khảo sát là trong điều kiện "bình thường mới" nhưng số lượng cửa hàng giảm nhiều so với trước khi dịch bùng phát; một số khu vực khảo sát nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa.

Tần suất mua hàng của NTD cũng giảm, chi tiêu hạn chế. NTD chủ yếu chọn hàng thiết yếu và chỉ lựa chọn sản phẩm của một vài DN, thương hiệu nhất định.

Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh cuộc khảo sát tập trung ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy bên cạnh hệ thống phân phối hiện đại, các kênh truyền thống vẫn giữ sức hút đối với NTD.

Theo đó, chợ hay tiệm tạp hóa dù không còn giữ vai trò chủ đạo như trước đây nhưng vẫn giữ một vị trí nhất định đối với NTD lớn tuổi khi họ vẫn chọn mua tại chợ, tiệp tạm hóa với tỉ trọng trên dưới 40%.

Song song đó, có tới 1/3 DN được người bán lẻ đánh giá vẫn duy trì các hoạt động chăm sóc khách hàng, thực hiện các chương trình giảm giá trong khi dịch bệnh bùng phát. Đây là nỗ lực đáng trân quý của cộng đồng DN Việt nói chung.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, nhằm tiếp tục đồng hành cùng DN, năm 2022 đối với thị trường nội địa hội có một chương trình mới là sẽ làm việc với một số hệ thống siêu thị là đối tác để cùng thống nhất. Bất kỳ DN đạt danh hiệu HVNCLC do NTD bình chọn sẽ ưu tiên tiếp nhận hàng hóa.

Hiện nay đã có hệ thống siêu thị buộc đây là điều kiện cần để DN đưa hàng vào. Tuy nhiên, đối với hệ thống phân phối các tỉnh hội đề nghị điều kiện trên là điểm cộng để DN thâm nhập vào bán lẻ hiện đại.

"Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay sức mua tại các hệ thống siêu thị giảm, cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống sức mua cũng sa sút. Chúng ta khó có thể tưởng tượng ngày nào đó chợ Bến Thành đìu hiu, một số chợ truyền thống quá nhiều sạp đóng cửa như hiện nay. Muốn phục hồi cần nhiều thời gian" - bà Hạnh nói.

Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/gan-90-cong-ty-lan-dau-dat-hang-viet-nam-chat-luong-cao-1049842.html