Giá lúa trong dân giảm 500-600 đồng một kg, còn gạo 5% tấm xuất khẩu về 538 USD một tấn, hạ 25-30 USD so với tháng 9.
Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (trừ basmati - loại gạo phổ biến của các nước khu vực Nam Á) và đưa thuế xuất khẩu về 0%, trong bối cảnh tồn kho tăng cao, mùa thu hoạch mới sắp bắt đầu. Thị trường toàn cầu có thêm nguồn cung từ gạo Ấn Độ, khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng khi thêm cạnh tranh.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa gạo tháng 10 giảm đáng kể. Lúa tại ruộng trung bình đạt 6.736 đồng, ở kho là 8.342 một kg, hạ lần lượt 507-600 đồng so với tháng trước. Các loại gạo 5%, 15%, và 25% tấm cũng giảm 200-400 đồng một kg so với tháng 9.
Khảo sát tại các vùng trồng cho thấy lúa và gạo đang điều chỉnh giá. Tại An Giang và Đồng Tháp, gạo thành phẩm dao động 10.500-12.700 đồng một kg, thấp hơn 500-1.000 đồng so với tháng trước.
Giá gạo bán lẻ cũng giảm nhẹ. Gạo Hương Lài, thơm Mỹ về quanh 18.500-19.000 đồng. Gạo dẻo Đài Loan, thơm Thái Lan khoảng 20.000-22.000 đồng một kg.
Gạo tại cửa hàng trên đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Thi Hà
Đại diện cửa hàng Bình An Phát ở Tân Bình (TP HCM) cho biết giá gạo nhập từ đầu mối rẻ hơn 500-1.000 đồng một kg so với cách đây một tuần. Chẳng hạn, gạo Ấn Độ hạ 500 đồng một kg, nên mức bán lẻ loại này giảm tương ứng, về 17.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, giá gạo Việt tại đây vẫn giữ nguyên do họ vẫn bán hàng tồn nhập từ trước. "Giá sẽ điều chỉnh khi cửa hàng nhập đợt mới", đại diện cửa hàng nói.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát, nhận định nguồn cung không dồi dào, khiến giá lúa gạo hạ nhiệt. Tuy nhiên, bà cho rằng giá khó giảm sâu do nhu cầu toàn cầu vẫn tăng.
Việc Ấn Độ quay lại xuất khẩu gây áp lực lên gạo 5% và 25% tấm. Trên thị trường quốc tế, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 538 USD một tấn, giảm 25-30 USD so với tháng trước. Gạo Thái Lan cũng lao dốc 40-50 USD, về 500 USD một tấn. Tương tự, mỗi tấn gạo Pakistan và Ấn Độ quanh 489-490 USD một tuấn.
Song theo bà Huyền, gạo Việt khó giảm giá sâu, về dưới 500 USD một tấn do các nước như Philippines, Indonesia và Malaysia tăng mua và nguồn cung nội địa hạn chế.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Riêng tháng 9, mặt hàng này đạt giá trị hơn nửa tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến tăng nhẹ trong niên vụ 2024-2025, do điều kiện thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng chính ở châu Á. Dù vậy, nguồn cung bị thắt chặt bởi tác động từ biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu thụ tăng ở thị trường châu Phi và Trung Đông. FAO dự báo giá gạo duy trì ở mức cao trong suốt niên vụ tới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7-7,5 triệu tấn trong niên vụ tới.
Sản lượng ổn định cùng kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Còn giá phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường quốc tế và tình hình xuất khẩu của các nước sản xuất lớn.
Dù vậy, theo USDA, gạo Việt xuất khẩu có thể chịu áp lực khi Ấn Độ tăng xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, các mặt hàng chất lượng cao (gạo hữu cơ, gạo thơm) của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhờ sản phẩm đa dạng và chất lượng, giúp duy trì giá bán cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan.
Nguồn: Vnexpress