Góc nhìn kỹ thuật phiên 15/9: Hướng đến đỉnh cũ

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 15/9.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 15/9: Hướng đến đỉnh cũ

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp với sự áp đảo của số mã tăng điểm kèm theo thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước đó trong bối cảnh đường giá vẫn đang duy trì bên trên nhóm MA ngắn hạn và được hỗ trợ bởi xu hướng đi lên khá dốc của đường SMA50, cùng sự giao cắt trở lại với đường tín hiệu của chỉ báo STO bên dưới ngưỡng 50. Điều này tiếp tục hàm ý diễn biến tích cực của chỉ số này trong những phiên đầu tuần tới.

Mặc dù vậy, biên độ hồi phục của chỉ số còn khá hạn chế nên chưa thể giúp đường giá cắt lên trở lại đường SM10 và đường PSAR trong bối cảnh mẫu hình nến hanging man với khối lượng tăng vọt xuất hiện sau một giai đoạn tăng mạnh của chỉ số, cùng với sự giao cắt của chỉ báo STO trong vùng quá mua trên đồ thị tuần. Diễn biến này cho thấy chỉ số hoàn toàn có thể vẫn còn những nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ SMA20 trong tuần tới.

Với những diễn biến trên, chúng tôi cho rằng chỉ số nhiều khả năng sẽ hình thành những mẫu hình đi ngang dạng tam giác với những phiên tăng giảm đan xen cùng diễn biến giằng co, phân hóa và dịch chuyển luân phiên của dòng tiền trong ngắn hạn.

Vùng kháng cự của 2 chỉ số trong tuần tới vẫn nằm quanh 645 và 91 điểm còn vùng hỗ trợ gần được dự báo tại quanh 625 điểm của VN-Index tương ứng 87.5 điểm của HNX-Index. Đây tiếp tục được xem là điểm mua trading lại một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đã hiện thực hóa lợi nhuận trước đó.

CTCK Maybank Kim Eng – MBKE

VN-Index tăng phiên thứba liên tiếp. Đáng chú ý hơn, phiên tăng 12/9 là phiên mà thị trường đối mặt với lượng hàng lớn về đến tài khoản và do đó sự tăng điểm có ý nghĩa hơn rất nhiều hai phiên trước. Với kết quả nêu trên, đánh giá của chúng tôi về triển vọng của VN-Index chưa thay đổi.

Xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn là tăng. Vùng hỗ trợ mạnh của thị trường ở mức 600-610. Xác suất để VN-Index xâm phạm vùng hỗ trợ này không lớn.

Thanh khoản cải thiện. Khối lượng giao dịch tăng thêm 16,8% so với phiên liền trước, lên mức cao rõ rệt hơn thanh khoản trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền hoạt động mạnh trở lại.

Chỉ báo kỹ thuật chuyển dịch. Do phiên giảm mạnh ngày thứ Ba tuần này, các chỉ báo kỹ thuật có sự chuyển dịch, dù chưa đưa ra các đánh giá tiêu cực, nhưng “khả năng” tạo ra tín hiệu xấu vẫn có nếu VN-Index tiếp tục suy giảm mạnh hơn.

Xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn là tăng. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nghiêng về cổ phiếu để hưởng lợi từ xu hướng tăng hiện nay của thị trường. Tỷ rọng đề xuất: 30/70 (tiền mặt/cổ phiếu)

HNX-Index tăng phiên thứ ba liên tiếp. Điểm số đạt được trong ba phiên đã bù đắp “gần đầy đủ” mức giảm của phiên thứ Ba trong tuần này. Xu hướng của HNX-Index vẫn là tăng, thể hiện qua việc đường giá duy trì liên tiếp các mức đỉnh đáy liền sau cao hơn.

Thanh khoản tăng. Khối lượng giao dịch tăng trở lại 18,5% và tiếp tục nằm cao hơn đáng kể mức thanh khoản trung bình 50 ngày. Dòng tiền vì vậy đang hoạt động với cường độ mạnh trên sàn HNX.

Chỉ báo kỹ thuật tốt. Các chỉ báo kỹ thuật đã tăng trở lại sau một số phiên giảm do ảnh hưởng phiên giảm mạnh đầu tuần. Nhìn chung các chỉ báo vẫn ủng hộ triển vọng tích cực của thị trường.

Xu hướng của HNX-Index đang là tăng. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao hơn trong danh mục. Tỷ trọng đề xuất: 40/60 (tiền mặt/cổ phiếu).

CTCK Bản Việt – VCSC

Hai chỉ số có thể kiểm định lại các mức kháng cự 635 của chỉ số VN-Index và 90.0 của chỉ số HNX-Index. Dựa trên mô hình sóng và hệ thống các chỉ báo xung lượng và dòng tiền ngắn hạn, chúng tôi vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm.

Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng đã chỉ ra sự lệch pha của hai chỉ số cho nên xu hướng ngắn hạn ở mức giảm trên hai chỉ số. Do đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm thận trọng và chưa mở vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại, đặc biệt các nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cao thì có thể cân nhắc hạ tỷ lệ này về mức thấp khi hai chỉ số không thể vượt được các mức kháng cự 640 của chỉ số VN-Index và 90.0 của chỉ số HNX-Index trong các phiên giao dịch đầu tuần tới.

Theo đồ thị tuần, các chỉ báo xung lượng dần tiến về vùng quá mua nhưng tín hiệu đảo chiều vẫn chưa hình thành cho nên rủi ro trung hạn vẫn ở mức thấp. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng trung hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ lên mức 605.77 của chỉ số VN-Index và 82.17 của chỉ số HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn vẫn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao và tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các mức hỗ trợ trung hạn 610 của chỉ số VN-Index và 81.5 của chỉ số HNX-Index.


Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS


CTCK FPT – FPTS

Về phương diện kỹ thuật, các chỉ báo chưa cho tín hiệu tăng rõ ràng trở lại sau nhịp giảm mạnh vừa qua. Tuy nhiên, một số chỉ báo nhanh như SO, RSI dần hồi phục nhẹ trở lại cho thấy khả năng trong các phiên tới VN-Index sẽ hướng lên chinh phục ngưỡng đỉnh cũ 640 điểm.

Trên sàn HNX, cùng với sự phục hồi của đường giá, các chỉ báo đều đã hồi phục, MACD sau nhịp điều chỉnh mạnh cũng đã tăng trở lại, việc chỉ báo này vận động phía trên đường tín hiệu củng cố thêm xu thế tích cực trên sàn HNX. Những lo lắng từ phiên điều chỉnh đầu tuần đã qua đi, trong tuần sau HNX-Index cần vượt mốc kháng cự mạnh 90 điểm để duy trì xu thế tăng điểm lâu hơn nữa.

CTCK Rồng Việt - VDSC

Trên HOSE, đường giá kết phiên với một nến xanh có bóng nến dưới khá dài và thân nến hẹp kèm theo khối lượng khớp có phần tăng nhẹ thể hiện lực cầu tham gia có phần cải thiện, tuy nhiên so với mức giảm cùng khối lượng ở phiên ngày 9/9 thì phiên giao dịch hôm nay vẫn mang tính chất phiên hồi phục. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa lấy lại sự tích cực khi RSI đi ngang quanh mức 64, đường cỏ MACD mọc thấp hơn dưới đường 0 và DI+ vẫn giảm hướng về DI-.

VN-Index đã có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp, khối lượng khớp lênh vẫn ở mức thấp so với khối lượng bình quân và mức điểm hồi phục vẫn thấp so với mức điểm mất đi ở đợt giảm trước, do đó lực cầu mua vào sẽ tiếp tục được thử thách ở các phiên hồi phục kế tiếp và áp lực bán có thể sẽ gia tăng khi chỉ số tiến lên vùng khangs cự 635 điểm.

Trên HNX, đường giá kết phiên với một nến xanh có thân nến dài hơn kèm theo khối lượng cũng gia tăng so với hai phiên hồi phục trước đó cho thấy lực cầu tham gia mua vào được cải thiện đáng kể, điều tích cực hơn là trong 3 phiên hồi phục chỉ số đã lấy lại gần hết mức điểm giảm ở phiên ngày 9/9. Các chỉ báo kỹ thuật cũng có sự cải thiện khi RSI tăng lại mức 70, đường cỏ MACD mọc cao hơn trước và DI+ cũng quay đầu tăng lên so với DI-.

Lực cầu tham gia mua vào trên HNX vẫn duy trì khá tốt so với HSX, trong phiên giao dịch tới đường giá sẽ bị thử thách tại ngưỡng kháng cự 90 điểm và tại đây áp lực cung được đánh giá sẽ khá cao.

Đà hồi phục sẽ bị thử thách khi hai chỉ số tiến lên lại mức đỉnh của phiên giảm mạnh ngày 9/9 trong các phiên giao dịch tới. Nhà đầu tư đã bán hạ tỷ trọng về mức an toàn tiếp tục quan sát và chờ các tín hiệu tích cực mới từ thị trường.

CTCK BIDV – BSC

Phiên tăng điểm ngày 12/9 thể hiện bởi một cây nến xanh hammer, kèm theo khối lượng giao dịch gấp 1.17 lần phiên giao dịch trước. Thân nến nằm ngay trên sợi dây trung bình MA(15), chính thức vượt ngưỡng kháng cự 630 điểm.

Chỉ báo RSI thể hiện một xu hướng tăng nhẹ, hướng về đường 70 lại lần nữa, và sẽ vượt qua đường tín hiệu chậm vào phiên tới. Chỉ báo Stochatics cũng đang quay đầu hướng lên, và có xu hướng sẽ cắt qua đường chỉ báo chậm. Chỉ báo ADX(14) đang thể hiện một sự mở rộng giữa 2 đường DI+ và DI-.

Phiên tăng điểm thứ ba và cũng là cây nến hammer thứ hai sau phiên giảm điểm ngày thứ tư, được hỗ trợ từ sợi dây trung bình MA(15) khi cả 3 cây nến này đang bám rất sát sợi dây này hình thành một xu hướng tăng. Mức 630 điểm đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tạm thời cho thị trường. Trong những phiên tiếp theo, thị trường có thể sẽ phải tiếp tục phải chinh phục lại ngưỡng 633-635 điểm.

N.Tùng

{fcomment}