Hàng chục doanh nghiệp đấu giành quyền đầu tư Sân bay Cam Ranh

Cả chục doanh nghiệp trong nước đang gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).

Hàng chục doanh nghiệp đấu giành quyền đầu tư Sân bay Cam Ranh

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) do tỷ phú đô-la Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải hồi cuối tháng 3/2015, ông Hạnh Nguyễn đề xuất đầu tư nhà ga mới tại Cảng hàng không Cam Ranh theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), với tổng vốn đầu tư dự kiến từ 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, IPP không phải là nhà đầu tư duy nhất quan tâm tới việc đầu tư xây dựng một nhà ga quốc tế mới có công suất khoảng 2,5 triệu lượt hành khách/năm tại sân bay lớn thứ 4 cả nước này. Thậm chí, dù có lợi thế là xuất phát sớm, nhưng đề xuất đầu tư của IPP hiện mới chỉ gói gọn chưa đầy 1 trang A4, trong khi nhiều nhà đầu tư khác đã có đề cương tương đối chi tiết, bao gồm cả khái toán tổng mức đầu tư và phương án tài chính hoàn vốn.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao nhiệm vụ thành lập công ty cổ phần để đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế tại Cam Ranh, tính đến giữa tháng 6/2015, đơn vị đang độc quyền khai thác các sân bay dân dụng tại Việt Nam này đã nhận được đơn đề xuất của 4 liên danh nhà đầu tư trong nước với khoảng 10 doanh nghiệp. Trong số này, ngoài IPP, có khá nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn, như Golf Long Thành, Công ty cổ phần Logistics Hàng không (ALS)...

Được biết, trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, ALS (có một phần vốn góp của Vietnam Airlines, có vốn điều lệ 180 tỷ đồng đang hoạt động trong lĩnh vực logistics hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không) đề nghị được tham gia đầu tư Nhà ga quốc tế mới tại Sân bay Cam Ranh có công suất 2 - 3 triệu hành khách/năm, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng thông qua việc hình thành công ty cổ phần.

Tại công ty cổ phần đầu tư dự án trên, dự kiến có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ALS muốn nắm 50 - 60% vốn điều lệ, ACV nắm 10 - 20%, các nhà đầu tư khác như ngân hàng, Vietnam Airlines nắm 20 - 30% vốn điều lệ.

“Việc thành lập mới công ty cổ phần để triển khai dự án là phương án tối ưu. Phương án này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho phép áp dụng khi triển khai dự án đầu tư, mở rộng nhà ga hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT ALS nói.

Khác với ALS, Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Việt Xuân Mới - Tập đoàn Đức Bình lại đề nghị đầu tư xây mới Nhà ga quốc tế có công suất khoảng 2 triệu khách/năm theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Đối với dự án BOT hạ tầng hàng không này, Liên danh Việt Xuân Mới - Đức Bình tính toán cần khoảng 1.978 tỷ đồng và mất khoảng 21 năm để hoàn vốn.

Ông Hồ Minh Tiến, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, Tổng công ty đã làm việc với tất cả các nhà đầu tư có đề xuất, trong đó, đã trực tiếp đi khảo sát thực địa, xem xét hiện trạng dự kiến thực hiện Dự án với các nhà đầu tư Golf Long Thành và Việt Xuân Mới - Đức Bình.

“ACV đang rốt ráo phối hợp với các đối tác làm đề xuất đầu tư hoàn chỉnh, gồm: thiết kế sơ bộ, quy hoạch, quy mô của Dự án gắn với các thông số tài chính để báo cáo cụ thể để Bộ Giao thông - Vận tải quyết định”, ông Tiến thông tin.

“Danh sách doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh đang tiếp tục tăng lên cho thấy sức hút rất lớn của Dự án”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đối tác công - tư thuộcBộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, số lượng hành khách vận chuyển qua Sân bay Cam Ranh luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, nhà ga hành khách hiện tại tại Sân bay Cam Ranh đã bắt đầu quá tải, đặc biệt là phần nhà ga hành khách đón khách quốc tế.

“Việc đầu tư xây dựng nhà ga mới và đường hạ cất cánh thứ hai sẽ giúp Sân bay Cam Ranh trở thành cửa ngõ quốc tế mới của Việt Nam, hình thành một căn cứ cho các hãng hàng không nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đánh giá.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán