Không nên tạo thói quen ăn mặn

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Gánh nặng cho sức khỏe

Muối là thực phẩm cần thiết với sức khỏe con người, tuy nhiên, việc lạm dụng muối trong các bữa ăn hằng ngày lại gây nhiều nguy hại. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê), trong khi tại Việt Nam, 20% dân số thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, các loại thịt chế biến như xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...

Hệ lụy của việc ăn mặn rất khó lường. Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thói quen ăn mặn là yếu tố chính dẫn tới tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Cùng với sự phát triển vũ bão của các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, trong vài thập niên vừa qua, số ca tăng huyết áp tại Việt Nam liên tục tăng, từ mức 1% dân số vào năm 1960 lên tới 18,9% số vào năm 2015 - tương đương khoảng 12 triệu người. Hiện tại, cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc tăng huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có một là do bệnh tim mạch.

Theo Giáo sư Phan Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, khi ăn quá nhiều muối, tim phải làm việc nhiều hơn, cơ thể phải uống nhiều nước làm tăng khối lượng máu tuần hoàn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến tâm thất trái to lên rồi dẫn đến hiện tượng suy tim. Tâm thất trái sẽ trở lại bình thường nếu bạn phát hiện và giảm lượng muối nạp vào cơ thể.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, thói quen ăn mặn gây hại rất lớn cho thận. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đã bị bệnh thận mà vẫn ăn nhiều muối, cơ thể sẽ suy sụp nhanh hơn. Ngoài ra, muối còn là nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ. Việc ăn nhiều muối đối với những bệnh nhân bị suyễn sẽ khiến cơn suyễn nặng nề và xuất hiện thường xuyên hơn, có thể dẫn đến đột tử. Thừa muối cũng khiến cho quá trình đào thải canxi qua nước tiểu tăng, nguy cơ gây ra loãng xương.

Thay đổi thói quen nấu ăn

Trước các hệ lụy từ thói quen lạm dụng muối, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch truyền thông quốc gia vận động cộng đồng giảm lượng muối có trong khẩu phần ăn.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại nước ta cũng khuyến cáo, Việt Nam nên xây dựng khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nhiều muối và được sử dụng phổ biến như mì ăn liền, xúc xích..., đồng thời kêu gọi người dân giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng quốc gia), người dân cần giảm lượng muối và gia vị dùng cho việc chế biến thức ăn; hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên. Thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn cũng cần phải thay đổi vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể. Đặc biệt, nên bỏ cách ăn trái cây chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh; tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm. Người dân cũng có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt, rau thơm, nước ép trái cây kết hợp với dầu ô liu để giúp tăng hương vị cho món ăn, tạo cảm giác ngon miệng.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới