Học đại học để làm giúp việc

Zhu Chunnan là một trong 95 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành giúp việc gia đình ở Đại học Mở Thượng Hải. Cô giờ có quá nhiều việc để làm.

"Tôi tin rằng một ngày nào đó học đại học có thể sẽ trở thành một yêu cầu với người làm trong lĩnh vực này", Zhu nói. Cô đã làm giúp việc ở Thượng Hải gần hai chục năm, trước khi nhận thấy các gia đình chú trọng hơn đến vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc con cái.

Khát khao đi học đại học vốn âm ỉ từ lâu trong Zhu, nhưng cô phải làm việc kiếm sống. Và khi Đại học Mở mở chuyên ngành này từ tháng 3/2021 nhằm nâng cao kỹ năng và triển vọng nghề nghiệp cho những người giúp việc nhà, Zhu liền đăng ký.

"Chương trình cung cấp nhiều khóa học chuyên sâu về các chủ đề như dinh dưỡng, quản lý sức khỏe, hướng dẫn tiêu dùng, thẩm mỹ, luật pháp", Yang Wanling, giảng viên của trường, cho hay.

Zhu chơi với con của chủ nhà, hồi tháng 7/2023. Ảnh: Tân hoa xã

Zhu chơi với con của chủ nhà, hồi tháng 7/2023. Ảnh: Tân hoa xã

Số người làm dịch vụ giúp việc ở Trung Quốc hiện có hơn 30 triệu. Quy mô thị trường này dự kiến đạt 1,16 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 162,7 tỷ USD) trong năm nay.

Theo một thống kê, khoảng một phần ba trong số hơn 8 triệu gia đình ở Thượng Hải có sử dụng hoặc cần dịch vụ giúp việc. Còn iiMedia Research đưa ra con số 93,8% người tiêu dùng ở Trung Quốc đã dùng dịch vụ giúp việc nhà vào năm ngoái.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn với dịch vụ này. Họ muốn người giúp việc không chỉ biết nấu nướng, dọn dẹp, lau sàn... mà còn có thể làm nhiều việc khác, như chăm sóc bà bầu và trẻ sơ sinh, chơi với trẻ nhỏ.

Wang Shuxia, chủ tịch Hiệp hội dịch vụ gia đình, nhìn nhận nhu cầu ngày càng đa dạng nên các bên cung cấp dịch vụ phải điều chỉnh, chia thành nhiều nhóm như dịch vụ giáo dục tại nhà, dịch vụ sắp xếp việc nhà, quản lý dinh dưỡng.

Tất cả dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực chất lượng cao. Một khảo sát cho thấy thủ đô Bắc Kinh đang thiếu khoảng 30.000 người giúp việc cao cấp. Hiện, rất đông cử nhân trẻ cũng tham gia vào ngành này.

Tuy nhiên, Lu Qi, hiệu trưởng trường Hành chính công của Đại học Mở Thượng Hải, tin rằng giải pháp không phải là đào tạo sinh viên đại học trở thành quản gia, mà là tạo điều kiện cho nhiều quản gia tiếp cận với giáo dục đại học.

Sau khi tốt nghiệp đại học và vượt qua nhiều kỳ thi sát hạch khác, Zhu được nhiều gia đình ở Thượng Hải tin tưởng và săn đón. Cô có thể làm cho nhiều gia đình, giúp họ chọn thực phẩm, nấu ăn, sắp xếp việc nhà, chơi với trẻ nhỏ.

"Việc học có hệ thống ở đại học giúp tôi hiểu sâu sắc về lĩnh vực của mình, đồng thời nâng cao được năng lực chuyên môn nên tự tin và bình tĩnh hơn", Zhu nói, thêm rằng chỉ bằng cách này, người làm giúp việc mới bắt kịp nhu cầu của xã hội, cũng như được tôn trọng.

nguồn: Vnexpress