Lấn cấn với việc bỏ hay không bỏ trần lãi suất

Theo Điều 468, Dự thảo Bộ luật Dân sự đang trình Quốc hội, trần lãi suất được coi như một công cụ đặc hiệu để trị tín dụng đen. Mặc dù đồng tình với phương pháp trên, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên áp dụng công cụ này với khối tổ chức tín dụng.

Lấn cấn với việc bỏ hay không bỏ trần lãi suất

Liên quan đến vấn đề trần lãi suất, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang trình 2 phương án.

Phương án 1:Quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Phương án 2:Quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản doNgân hàngNhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cơ quan soạn thảo vẫn còn lấn cấn với việc bỏ hay không bỏ trần lãi suất, bởi lo ngại sẽ không có công cụ pháp lý để điều chỉnh đối với những tình huống các ngân hàng có thể lợi dụng một số thời điểm đặc biệt, nhất là lạm phát cao, để đua nhau “dềnh” lãi suất bắt chẹt người vay vốn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nềnkinh tếkhu vực và thế giới, việc để lãi suất được điều tiết theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu.

Vì lẽ đó, vấn đề có nên áp trần lãi suất hay không lại một lần nữa được đưa ra thảo luận và xin ý kiến tại nghị trường. Điểm mới của dự thảo lần này là nâng trần lãi suất từ không quá 150% lên không quá 200% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và có hướng mở khi có quy định thêm “trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.

Thực tế, câu chuyện trần lãi suất lâu nay vẫn gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhà làm luật cho rằng, cần phải có trần lãi suất để đảm bảo an ninh kinh tế, đặc biệt trong vấn đề chống tín dụng đen. Giới chuyên giatài chính- ngân hàng thì cho rằng, luật như vậy là đi ngược với tiến trình tự do hóa lãi suất, bởi “vốn” thực chất là một dạng hàng hóa mà đã là hàng hóa thì mức giá của nó phải được dựa trên thỏa thuận. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, việc để lãi suất được điều tiết theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt, cơ quan quản lý có thể phải sử dụng công cụ hành chính như trần lãi suất để duy trì trật tự trên thị trường tiền tệ, song nếu quy định cứng trong dự thảo là trái với cơ chế thị trường. Đặc biệt, không có cơ sở để tính toán đưa ra một mức cứng là “lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản” mà cơ quan soạn thảo đưa ra.

Theo lập luận trên, TS. Cao Sỹ Kiêm bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc đưa trần lãi suất cơ bản vào Bộ luật Dân sự áp dụng cho các tổ chức tín dụng, mà thay vào đó, theo ông, cần phải dần tiến tới lãi suất thả nổi. Có như vậy, thị trường mới có thể cạnh tranh thực sự.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng) nhận định, nên bỏ lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự để tiến tới lộ trình thực hiện tự do hóa lãi suất. Bởi trong thực tế, tại nhiều thời điểm, các ngân hàng đã mặc nhiên vượt trần lãi suất để phản ánh đúng “giá” thị trường, tức là trần lãi suất đã bị vô hiệu hóa. Nay, nếu chỉ nới từ mức cho vay bằng 150% lãi suất cơ bản lên 200% hay lên 250% như đã từng đề xuất trước đây cũng không thể khiến thị trường tiền tệ được linh hoạt, vì đã bị chốt ở một mức cố định. Nếu quay lại cơ chế trần lãi suất thì vô hình trung, chúng ta đang tiến những bước lùi trong quá trình tiến tới tự do hóa lãi suất.

Theo Văn Thành
baodautu.vn

Nguồn Tin nhanh chứng khoán