Đồng rúp Nga xuống sát mức thấp kỷ lục, vốn ngoại tháo chạy

Đồng rúp của Nga đã chốt tuần giao dịch ở mức gần thấp kỷ lục so với USD, sau khi mất giá 1,5%, trong bối cảnh Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu để trả đũa phương Tây. Tình hình khiến luồng vốn đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi Nga. 

Theo các nhà phân tích, tác động tích cực đối với cán cân thanh toán của Nga sau lệnh cấm nhập khẩu ban bố hôm thứ thứ Năm sẽ không đủ để bù đắp sự tháo chạy của vốn đầu tư, do cuộc khủng hoảng bắt đầu từ giữa tháng 4 giữa các tay súng ly khai thân Nga tại Đông Ukraine và quân đội chính phủ nước này.

Đồng rúp Nga đã mất giá mạnh so với USD
Đồng rúp Nga đã mất giá mạnh so với USD

“Các thị trường đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất dựa trên những gì đang diễn ra tại Đông Ukraine, nơi các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn. Không ai muốn thống nhất ý kiến với người khác và Nga lại đang tăng cường lực lượng trên biên giới”, Igor Akinshin, đến từ ngân hàng Alfa Bank nhận định.

Chốt tuần giao dịch vừa qua, đồng rúp của Nga đã mất giá thêm 1,5% so với USD, và nằm cách không xa mức thấp kỷ lục 36,73 rúp đổi một USD được thiết lập hồi tháng 3, khi Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea. Cổ phiếu của các công ty Nga được niêm yết bằng USD cũng mất giá 3,5%.

Việc lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thịt, cá, sữa, trái cây và rau từ Mỹ, 28 quốc gia thành viên EU, Canada, Úc và Na-uy sẽ kéo dài 1 năm, cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài.

Được đánh giá là mạnh tay hơn mức dự báo, lệnh cấm này cũng có thể khiến người tiêu dùng Nga bị cô lập tới mức chưa từng thấy kể từ sau những năm tháng còn Liên Xô cũ. Đến nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây cùng việc đồng rúp mất giá đã làm một số hãng hàng không và công ty du lịch phá sản, tác động tiêu cực tới mùa nghỉ Hè của nhiều người Nga.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy sức mua của người dân Nga đang sụt giảm, doanh số bán ô tô trong tháng 7 đã sụt tiếp 23% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã đi xuống 17,3% ở tháng trước đó.

“Xu hướng chung là đáng lo ngại, và không có vẻ gì sẽ sớm được cải thiệt rõ rệt”, Joerg Schreiber chủ tịch Ủy ban các nhà sản xuất ô tô, thuộc Hội các doanh nghiệp châu Âu cho biết.

Vốn đầu tư tháo chạy

Theo các ngân hàng quốc doanh VTB của Nga và ING của Hà Lan, các nhà đầu tư đã không quan tâm tới những tác động tích cực có thể có của lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm.

“Lệnh cấm nhập khẩu là một tin tích cực lớn bởi nó sẽ ảnh hưởng tới cán cân vãng lai trong vòng 6-12 tháng, nhưng hiện tại dòng vốn chảy ra vấn đang ở quy mô lớn hơn cả tác động tích cực này”, Dmitry Polevoy, một nhà kinh tế Nga tại ngân hàng ING cho biết.

Người Nga trước đây, trong những năm 1990 và 2000 theo dõi rất sát tỷ giá đồng rúp so với USD, vốn được xem như công cụ hữu hiệu để bảo vệ tài sản trước lạm phát cao. Xu hướng này đã thay đổi trong 14 năm ông Putin nắm quyền, do kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhờ giá dầu cao đã giúp người Nga không còn phải bận tâm tới tỷ giá.

Nhưng giờ, có vẻ tâm lý này đã thay đổi, khi lệnh cấm nhập khẩu có khả năng đẩy lạm phát tăng vượt mục tiêu của chính phủ, còn các nhà đầu tư không ngừng chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài.

“Thêm một loạt các hành động và tuyên bố mạnh mẽ nữa có thể gây thêm áp lực cho đồng rúp”, VTB khẳng định. “Dòng vốn chảy ra – trong đó có khả năng tiền gửi bị đô la hóa – là rủi ro chính”.

Theo dự báo hồi cuối tháng 7 của các nhà phân tích, lượng vốn tháo chạy khỏi Nga trong năm nay có thể lên tới 118 tỷ USD, cao gần gấp đôi số liệu năm ngoái.

Nhà phân tích Polevoy của ING nhận định lệnh cấm nhập thực phẩm phương Tây khẩu sẽ giúp Nga tiết kiệm chừng 800 triệu USD/tháng, một con số có lẽ thấp hơn so với lượng vốn chảy ra tăng thêm, do các nhà đầu tư bán tháo các tài sản niêm yết bằng đồng rúp.

“Hiện tại không ai quan tâm tới tài khoản vãng lại, không ai quan tâm tới cán cân thương mại, có lẽ không ai quan tâm tới lãi suất cao tại Nga. Những người chỉ muốn rời khỏi Nga, bán tháo các tài sản tại Nga đang thực sự làm việc đó”, Polevoy khẳng định.

Các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng còn tiếp tục leo thang sau tuyên bố của NATO rằng, Nga đã tăng cường thêm lượng quân đóng trên biên giới Ukrainee, và có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Thanh Tùng
Tổng hợp, Dân trí

{fcomment}