M&A bất động sản, sóng ngầm đang dâng

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AVM phối hợp tổ chức cuối tuần qua, đại diện DN bất động sản cho rằng, trên thị trường đang diễn ra một làn sóng ngầm về mua bán các dự án bất động sản giữa các DN và xu hướng này sẽ rộ lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

M&A bất động sản, sóng ngầm đang dâng

Nhiều dự án sống lại nhờ M&A

Bên lề Diễn đàn M&A 2014, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (DXG) tiết lộ, DXG vừa đàm phán xong thương vụ mua lại một dự án bất động sản có quy mô diện tích hơn 7,5 héc - ta tại vị trí khá đắc địa ở quận 9, TP. HCM. Đây là thương vụ mua dự án mới nhất của DXG trong năm nay, nhưng chưa được công bố rộng rãi. Trước đó, DXG đã mua lại thành công Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) từ CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI).

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, Sài Gòn Water Garden có diện tích gần 2,1 héc-ta, nằm tại vị trí khá đắc địa ven sông Sài Gòn, dự án từng được PPI đặt tham vọng chi ra 1.275 tỷ đồng để phát triển thành khu phức hợp với các hạng mục như căn hộ cao cấp, khu thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính từ đầu năm 2013, PPI không đủ sức tự triển khai nên đã kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác triển khai hoặc chuyển nhượng lại. Dự án này trước đây được PPI ngã giá 280 tỷ đồng, nhưng cuối cùng được DXG mua lại với giá chỉ hơn 80 tỷ đồng. Dự kiến, đầu năm 2015, DXG sẽ làm “sống lại” dự án này. Theo ông Thìn, từ đầu năm đến nay, DXG đã mua lại 4 dự án bất động sản.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cũng chia sẻ, Công ty vừa kết thúc đàm phán với CTCP Cơ khí - Xây dựng Bình Triệu trong việc hợp tác đầu tư làm “sống lại” Dự án Khu dân cư Bình Triệu (có tổng diện tích hơn 2,3 héc-ta, gồm 3 khối nhà chung cư với căn hộ có diện tích vừa phải). Dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, dự kiến được giới thiệu ra thị trường vào quý III/2015. Ngoài ra, mới đây, Hưng Thịnh đã mua đứt một dự án có quy mô 300 căn hộ trên đường Phan Văn Hớn thuộc quận 12 của một DN đang gặp khó khăn về tài chính. Bằng hình thức mua lại dự án hoặc hợp tác đầu tư xây dựng, tính từ năm 2013 đến nay, Hưng Thịnh đã làm “hồi sinh” hàng chục dự án bất động sản.

Mới đây, Tập đoàn Him Lam đã chi 1.050 tỷ đồng để mua lại dự án tại quận Thủ Đức của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Như vậy, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản được công bố rộng rãi như thương vụ Tập đoàn Tung Shing (Hong Kong) mua 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn; Lotte Mart mua lại Pico Plaza và một số thương vụ đang trong vòng thương lượng như Mulpha International Bhd đang đàm phán mua lại Dự án Indochina Park Tower của Lemongrass Master Fund…, vẫn có khá nhiều thương vụ M&A bất động sản đang ngấm ngầm diễn ra.

Xu hướng tất yếu

Hầu hết các DN bất động sản đều cho rằng, năm nay và năm 2015 là thời điểm bùng nổ hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản. Đây là xu hướng tất yếu không chỉ xuất từ bên mua, mà cả bên bán.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch DXG chia sẻ, nếu như cách đây vài năm, nhiều DN dù gặp khó khăn nhưng vẫn kỳ vọng bán dự án với giá cao, thì nay họ đã thay đổi quan điểm, chấp nhận chuyển nhượng dự án với mức giá hợp lý, thay vì phải “ôm” dự án để chịu các chi phí.

“Từ đây đến tháng 3/2015, DXG sẽ đẩy mạnh việc mua lại các dự án để tạo quỹ đất phát triển cho chiến lược phát triển của DXG trong 5 năm kế tiếp”, ông Thìn nói và cho biết thêm, DXG đang xây dựng chiến lược phát triển các dự án bất động sản có quy mô lớn theo mô hình khu đô thị khép kín có diện tích từ 10 - 20 héc-ta với tên gọi Đất Xanh City.

Còn ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp mà Hưng Thịnh đẩy mạnh hoạt động tạo quỹ đất.

“M&A diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động M&A có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những DN không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các DN chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng”, ông Trung nói và cho biết, thời gian qua, Hưng Thịnh đã làm việc với khá nhiều đối tác là các DN nhà nước đang muốn thoái vốn khỏi các dự án bất động sản trong lộ trình tái cơ cấu DN theo chủ trương của Chính phủ. Mục tiêu của Hưng Thịnh sắp tới là tăng cường đầu tư vào các dự án với kế hoạch mỗi năm bán ra thị trường từ 3.000 - 4.000 căn hộ.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE, đến thời điểm hiện nay, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản vẫn hiện hữu. Xu hướng này không chỉ hiện hữu với các nhà đầu tư lâu năm, mà còn hiện hữu với các nhà đầu tư mới và giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau. Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}