Nghiên cứu mới về sự tấn công của virus corona đối với người mắc COVID - 19

Virus corona có thể tấn công các mạch máu trên khắp cơ thể

“Virus này không chỉ tấn công phổi mà cả những mạch máu khắp cơ thể”, Frank Ruschitzka, công tác tại ĐH Zurich và là một tác giả của báo cáo, nói.

Ông cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng virus corona gây ra nhiều tổn thương hơn cả viêm phổi.

“Nó đi vào nội mạc (các lớp tế bào), thứ đóng vai trò bảo vệ cho các mạch máu. Vì thế nó khiến hệ thống phòng thủ của con người bị phá hủy và gây ra các vấn để trong hệ thống vi tuần hoàn”, ông Ruschitzka nói về lưu thông máu trong những mạch máu nhỏ nhất.

Từ đó, nó làm giảm lượng máu cung cấp cho nhiều phần của cơ thể rồi cuối cùng ngăn chặn lưu thông máu, ông Ruschitzka nói.

“Từ những gì chúng tôi quan sát được về lâm sàng, các bệnh nhân đều có vấn đề trong tất cả nội tạng, gồm tim, thận, ruột và khắp nơi”, Chủ tịch trung tâm tim mạch tại bệnh viện đại học của Thụy Sĩ, nói.

Điều đó lý giải tại sao những người hút thuốc và những người có bệnh nền, bị suy yếu chức năng nội mô hoặc mạch máu không khỏe lại dễ nhiễm virus corona hơn, ông Ruschitzka cho biết.

Những bệnh nền thường gây suy yếu về chức năng nội mô bao gồm bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì hoặc tim mạch.

Nghiên cứu trên 3 ca bệnh, các nhà khoa học tìm thấy virus trong các tế bào nội mô, nằm bên trong các mạch máu và các tế bào viêm ở bệnh nhân COVID-19. Phân tích các bệnh nhân tử vong do COVID-19, nhóm nghiên cứu phát hiện lớp niêm mạc mạch máu của bệnh nhân chứa đầy virus và chức năng của các mạch máu dẫn đến các cơ quan trong cơ thể đều bị suy yếu.

Ở trường hợp bệnh nhân 71 tuổi tử vong vì COVID-19, người này đã bị tổn thương động mạch vành và tăng huyết áp thành động mạch, gây suy đa nội tạng, dẫn đến tử vong.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy cấu trúc của virus SARS-CoV-2 trong các tế bào nội mô của bệnh nhân. Ngoài ra, virus còn được tìm thấy trong các tế bào viêm ở tim, ruột và phổi, gây tắc nghẽn ở hầu hết các mạch máu nhỏ.

Một bệnh nhân nữ mắc COVID-19 (58 tuổi) có tiền sử bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì được chẩn đoán thiếu máu cục bộ mạc treo hoặc giảm lưu lượng máu đến ruột non gây suy nội tạng vĩnh viễn. Dấu hiệu viêm bạch cầu lympho - yếu tố chính gây viêm nội mạc tử cung, cũng được tìm thấy trong phổi, tim, thận và gan của bệnh nhân này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, dựa trên phát hiện mới này, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các liệu pháp giúp ổn định vùng nội mạc mạch máu trong quá trình điều trị làm giảm bớt sự gia tăng của virus.

Trong các biện pháp điều trị, TS. Rus Ruschitzka đề xuất, việc tăng cường sức đề kháng cho các mạch máu đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ông John Nicholls, một Giáo sư về bệnh lý lâm sàng tại ĐH Hong Kong cho rằng cần thêm những nghiên cứu khác để tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này.

"Có thể sẽ có nhiều cấu trúc giống với các hạt virus khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử. Vì vậy, tôi cho rằng cần thêm những kỹ thuật khác ở phòng thí nghiệm để xác nhận những mô mạch máu này có thực sự nhiễm virus hay không", ông nói.


Nguồn: Báo Tiền Phong