Nghiên cứu sinh về Ngoại giao: `Hãy để Lịch sử được lên tiếng`

`Tôi tin rằng việc công khai, minh bạch hoá thông tin sẽ không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về đất nước mình mà còn giúp bảo vệ độc lập - tự do cho tới muôn đời sau`, Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis (Mỹ) chia sẻ với VnExpress.

Có người từng nói với tôi rằng "một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật". Là một sinh viên ngoại giao, tôi không nhất thiết đồng tình với quan điểm này. Công khai toàn bộ sự thật khi thời điểm chưa chín muồi có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Thế nhưng chúng ta cũng không thể bưng bít sự thật mãi mãi được. Tôi tin rằng người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ cần được biết về những sự kiện trọng đại của đất nước mình.

nghien-cuu-sinh-ve-ngoai-giao-hay-de-lich-su-duoc-len-tieng

Ngô Di Lân, Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Ngoại giao, Đại học Brandeis (Mỹ). Ảnh: NVCC.

Trong bài phỏng vấn mới đây, GS. Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 đã nói rằng những thông tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc trong sách bị rút ngắn "từ 4 trang xuống chỉ còn 11 dòng". Tôi thấy đây là điều đáng thất vọng và nguy hiểm. Đáng thất vọng vì nó cho thấy chúng ta còn chịu sự chi phối quá nhiều từ bên ngoài. Nguy hiểm vì nó dẫn tới một thế hệ người Việt Nam không hiểu gì về lịch sử đất nước. Nguy hiểm hơn nữa vì thậm chí nó có thể khiến người dân Việt Nam hiểu sai về đất nước mình.

Tại sao lại hiểu sai? Chúng ta có thể lấy sự kiện Hoàng Sa hay cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 làm ví dụ. Tuy hai sự kiện này chỉ liên quan trực tiếp tới Việt Nam và Trung Quốc nhưng thật ra được quan tâm bởi rất nhiều quốc gia khác nữa bởi ảnh hưởng sâu rộng của nó. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có vô số sách báo, phim tài liệu để nói về vấn đề này tràn lan trên mạng. Có bài nghiên cứu chính xác và chất lượng, nhưng cũng có thứ xuyên tạc sự thật. Khi chúng ta không đưa những sự kiện này vào sách giáo khoa một cách đàng hoàng thì những người quan tâm sẽ đi tìm đọc những bài viết xuyên tạc, những thứ chẳng ai biết nguồn gốc thế nào, đúng sai ra sao. Chúng ta có muốn chuyện đó xảy ra hay không? Đương nhiên là không.

Hơn nữa, những sự kiện trên không thể nào bưng bít được vì có quá nhiều người biết đến rồi, cố gắng giữ như một bí mật quốc gia là chuyện bất khả thi. Do đó, nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm như vậy thì hậu thế sẽ trách cứ chúng ta mà thôi. Sẽ có ngày các em phát hiện ra mình chẳng biết tí gì về những sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra 30-40 năm trước. Họ sẽ trách rằng lớp người đi trước không dạy cho họ bài học lịch sử thì làm sao có thể tránh được vết xe đổ đây? Nếu chúng ta thật sự muốn bảo vệ thế hệ tương lai thì phải chỉ cho các em sự thật một cách khách quan chứ không phải bao bọc bằng việc che giấu sự thật.

Ở những nước tự do như Mỹ người ta cũng không công khai tất tật mọi thứ. Nhưng những thứ cơ bản nhất mà người dân phải biết và có quyền được biết như vì sao Mỹ tham chiến trong Thế chiến I và II, tại sao Mỹ lại dấn thân vào Việt Nam sau khi thực dân Pháp bị đánh bại, đều được nêu rõ trong các sách lịch sử. Những bê bối như vụ Watergate dưới thời Nixon, những sai lầm như việc can thiệp vào Iraq sau ngày 11/9 đều được đông đảo học sinh và sinh viên biết đến.

Ở trường các giáo viên cũng nhìn nhận những vấn đề lịch sử một cách rất thẳng thắn. Tôi cho rằng đây là chìa khoá khiến cho giờ học sôi nổi vì học sinh không cảm thấy ngại khi hỏi bất kỳ câu gì hay phản biện ý kiến của giáo viên. Giáo sư của tôi là người Mỹ và lên lớp khi nói về những việc Mỹ đã làm trong lịch sử, thầy hay dùng từ "We" tức là "chúng ta". "Chúng ta đã giúp châu Âu" hay "Chúng ta đã mắc phải sai lầm ở Việt Nam", có nghĩa là thầy rất yêu nước và luôn nghĩ rằng mình là một phần của đất nước này. Nhưng thầy cũng rất thẳng thắn phê bình đất nước của mình và cho rằng Mỹ đã có nhiều sai lầm.

Vì vậy tôi cho rằng đưa nhiều tranh ảnh vào trong sách giáo khoa, tăng cường cho học sinh đi thăm bảo tàng hay thậm chí thu xếp cho các em giao lưu với các sử gia chuyên nghiệp là rất quan trọng để khuyến khích sự hứng thú của học sinh đối với lịch sử. Tuy nhiên, những thay đổi này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chìa khoá nằm ở việc chúng ta sẵn sàng đối mặt với sự thật, nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan chứ không phải là diễn giải theo hướng nào đó để làm hài lòng người khác.

Giải quyết được vấn đề tư tưởng này rồi chúng ta sẽ tìm cách đưa thông tin lịch sử vào sách cho học sinh một cách phù hợp nhất. Và tốt nhất là đưa vào từ sớm nhưng tăng dần theo thời gian. Ví dụ, chúng ta vẫn có thể nói về Hoàng Sa trong sách giáo khoa lịch sử lớp 8 nhưng sẽ nói sơ qua. Đến lớp 12 thì sẽ nói kỹ hơn bởi lúc đó học sinh sẽ trưởng thành hơn trong suy nghĩ và có thể suy nghĩ một cách sâu sắc, chín chắn hơn. Như vậy thì vừa đảm bảo các em hấp thụ được kiến thức tốt mà không sợ bị kích động hay hiểu sai sự thật.

Đã đến lúc lịch sử được lên tiếng. Chỉ cần chúng ta công tâm, chỉ cần chúng ta không sử dụng các sự kiện lịch sử để khen nước mình, chê nước bạn, tôi tin rằng việc công khai, minh bạch hoá thông tin sẽ không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về đất nước mình mà còn giúp chúng ta bảo vệ độc lập - tự do cho tới muôn đời sau.

Ngô Di Lân
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Ngoại giao, Đại học Brandeis

Nguồn Vnexpress