Với hầu hết mọi người, đi siêu thị trong thời điểm này đồng nghĩa với việc bạn phải trang bị đủ các biện pháp phòng ngừa virus như khẩu trang, găng tay, tránh giờ cao điểm, đứng cách xa nhau…
Nhưng với khoảng 1% dân số Mỹ - giới nhà giàu - thì cuộc sống trong đại dịch có khác biệt một chút.
Họ có đầu bếp, quản gia riêng – những người sẽ giúp họ mua sắm, vệ sinh các loại thực phẩm. Một số gia đình giàu có khác thì sử dụng sản phẩm hữu cơ từ các nông trại riêng. Việc các gia đình giàu có thuê người mua sắm và nấu ăn không phải là điều lạ lẫm nhưng khi họ có thời gian ở nhà nhiều hơn thì họ lại thuê nhiều nhân viên giúp việc hơn.
David Youdovin – giám đốc điều hành của Hire Society – một công ty chuyên cung cấp các đầu bếp, quản gia và người giúp việc cho các gia đình giàu có, cho biết, hầu hết các khách hàng của ông đều có đầu bếp hoặc quản gia riêng phụ trách việc mua sắm nhu yếu phẩm hằng ngày.
Các khách hàng của Youdovin thường đặt thực phẩm từ các nhà cung cấp cho các nhà hàng như Baldor – nơi yêu cầu phải mua hàng tối thiểu 250 USD mới giao hàng tại nhà. Trong suốt thời gian dịch bệnh, giới nhà giàu thực hiện các biện pháp phòng ngừa càng nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là trong việc mua sắm nhu yếu phẩm.
Youdovin cho biết, hầu hết người giúp việc ở trong các khu dân cư dành cho giới nhà giàu đều phải đeo mặt nạ, găng tay. Và bất cứ khi nào họ nhận hàng gửi đến, hoặc ra siêu thị mua đồ, họ đều phải thực hiện một quy trình vệ sinh nghiêm ngặt.
‘Họ khử trùng món đồ đó bằng nước khử trùng, sau đó họ để yên nó một chỗ, có những đồ lên tới 3 ngày tùy thuộc đó là mặt hàng gì, rồi sau đó họ mới được mang nó vào trong nhà’.
Forrest Barnett – người đứng đầu chi nhánh Southampton của công ty cho biết, nhiều khách hàng của họ hiện đang mua sắm trực tiếp từ các nông trại.
‘Bạn có thể gọi điện và họ sẽ đưa đồ ra xe, thậm chí là tới tận nhà’, Barnett nói.
Ngân sách chi cho nhu yếu phẩm của giới nhà giàu có thể dao động ở nhiều mức, nhưng chỉ riêng lương cho các đầu bếp tối thiểu đã là 120.000 USD/năm và mức cao nhất có thể lên tới 400.000 USD/ năm.
‘Chi phí cho đồ ăn có thể là 1 triệu USD/năm cho một gia đình cơ bản’, Youdovin nói.
Dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế nhưng với giới siêu giàu vốn sở hữu nhiều căn nhà, máy bay riêng thì tối thiểu họ có tới 15-20 giúp việc trong nhà. Khi họ phải ở nhà nhiều hơn, họ nhận ra rằng họ không thể cắt giảm khoản nấu ăn.
Nếu chỉ phải cách ly trong một vài tuần, họ có thể mua đồ ăn mang đi hoặc tự nấu, nhưng nếu thời gian cách ly lên tới vài tháng, họ bắt đầu tìm đến sự giúp đỡ bên ngoài, Tiana Tenet – đồng sáng lập The Culinistas, công ty chuyên cung cấp đầu bếp riêng cho các thành phố lớn của Mỹ, cho hay.
Các khách hàng của Tenet cũng được khuyên nên ở trong một phòng khác hoặc ra khỏi nhà trong khi các đầu bếp có mặt ở nhà họ để nấu ăn để đảm bảo giãn cách xã hội.
Một số gia đình thậm chí còn đề nghị tăng lương cho các nhân viên giúp việc để họ cách ly cùng chủ nhà trong suốt thời gian dịch bệnh.
Nữ doanh nhân Martha Stewart từng chia sẻ rằng lái xe, quản gia, người làm vườn của cô hiện đang ở chung với cô trong căn biệt thự riêng ở Bedford, New York trong suốt thời gian dịch bệnh. ‘Chúng tôi cùng nhau ăn tối, uống cocktail và chơi bài sau bữa ăn’.
Những nông trại hữu cơ miễn phí
Một số gia đình chọn cách sử dụng thực phẩm từ các trang trại hữu cơ – nơi có ít nguy cơ lây nhiễm hơn các siêu thị đông đúc.
Ở một khu dân cư có tên là Kohanaiki (Hawaii, Mỹ), nơi mà giá nhà dao động từ 3 triệu USD tới 20 triệu USD, cư dân thường được cung cấp thực phẩm từ một nông trại dành riêng cho thành viên của khu dân cư hoàn toàn miễn phí.
Người phát ngôn của cộng đồng này cho biết, lượng cư dân đến lấy thực phẩm từ nông trại tăng lên trong thời gian dịch bệnh. Họ phải cử một nông dân luôn có mặt ở đó để tư vấn xem cư dân nên hái những loại rau củ nào.
Một khu dân cư cao cấp khác ở Utah cho biết, cư dân ở đây không cần phải đến siêu thị mua lương thực mà có thể đặt hàng tại nhà.
Youdovin chia sẻ, một số khách hàng của ông còn có những khu vườn hữu cơ riêng, thậm chí là các trang trại này còn chăn nuôi một số loại gia cầm để cung cấp thịt.
Giao hàng cao cấp tại nhà
Trước khi dịch bệnh hoành hành tại Mỹ, công ty cung cấp thực phẩm Regalis Foods thường giao trứng cá muối, nấm, cua hoàng đế, thịt bò Wagyu cho các nhà hàng Michelin trên khắp nước Mỹ. Nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, công ty này còn mở thêm dịch vụ giao hàng tới tận nhà những vị khách sành ăn.
Khách hàng được ăn cua hoàng đế với giá 395 USD, thịt bò Wagyu với giá 17 USD cho gần nửa cân thịt…
Người sáng lập Regalis thừa nhận rằng công ty của ông phục vụ cho một đối tượng rất cụ thể. Ông cũng lo lắng về việc khi dịch bệnh còn tiếp tục gây ảnh hưởng trong thời gian tới thì đối tượng khách hàng này có tiếp tục sử dụng các sản phẩm cao cấp nữa hay không.
‘Tôi không biết người ta sẽ chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm thông thường hay vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm của chúng tôi’.