Nhà giàu Việt đổ tiền trùng tu di tích Mỹ để có thẻ xanh

Có nhu cầu định cư tại Mỹ thông qua con đường đầu tư, anh Hùng - một doanh nhân ở TP HCM quyết định đăng ký tham gia buổi hội thảo về các cơ hội đầu tư do một công ty tư vấn tổ chức. Gọi là hội thảo song anh Hùng được hướng dẫn đến một phòng họp khá nhỏ tại cao ốc văn phòng trên đường Ký Con (quận I). 

Cùng tham gia với anh Hùng có khoảng 20 người, trong đó có 3-4 người trung niên, còn lại đều là những gương mặt khá trẻ, chỉ khoảng trên 30 tuổi. Tại đây, cô chuyên viên tư vấn giới thiệu về việc đầu tư vào bất động sản ở Mỹ an toàn hơn những mô hình kinh doanh khác, vì là tài sản cố định, giá trị lớn, nhiều dự án được chính phủ hỗ trợ nên nhà đầu tư có thể an tâm rót tiền. "Tất nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ được “trả công” bằng thẻ xanh và được hoàn lại 100% số tiền bỏ ra", nhân viên này giới thiệu.

nha-giau-viet-do-tien-trung-tu-di-tich-my-de-co-the-xanh

Ngoài những quốc gia quen thuộc, thì dịch vụ chào mời nhập cư còn có thêm những cái tên mới nổi như Malta đảo Síp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hoà Dominica...

Cũng tại buổi hội thảo, anh Hùng được cung cấp thông tin về dự án cải tạo di tích lịch sử “Viện Hành chính Quân y” thành “Quảng trường Kỷ Nguyên - Centennial Plaza” tại bang Mississippi trị giá 151 triệu USD với các khu giải trí, thương mại, khách sạn... diện tích 2,9 ha.

Theo đại diện công ty tư vấn, những dự án trùng tu, cải tạo di tích lịch sử thu hút nhà đầu tư hơn các dự án xây mới vì được Chính phủ Mỹ hỗ trợ thuế, tín dụng, không cần chờ sinh lời để đảo nợ, hoàn vốn... Cô chuyên viên kết luận “đây là cách an toàn nhất để có thể có thẻ xanh Mỹ”, khiến nhiều người có mặt trong phòng bắt đầu xôn xao, gật gù nhìn nhau.

Hiện nay, việc tìm kiếm một quốc tịch nước ngoài thông qua hình thức đầu tư để định cư không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Mỹ là quốc gia được xem đứng đầu về tỷ lệ các hồ sơ xin đầu tư định cư, theo sau là Canada và Australia. Tuy nhiên, trước tình trạng nhập cư ồ ạt, các chính sách nhập cư dưới dạng này đã khó hơn rất nhiều so với khoảng thời gian vài năm về trước. 

Chẳng hạn, đối với chương trình đầu tư định cư của chính phủ Mỹ (EB-5) được Quốc hội nước này thông qua vào năm 1990, mức đầu tư ít nhất là 500.000 USD và phải có sự đồng ý của Sở Di trú Mỹ. 

Theo thông tin của nhiều trung tâm tư vấn, chương trình EB-5 được xem là chương trình an toàn nhất cho người nước ngoài đến Mỹ định cư dưới hình thức đầu tư. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ cấp 10.000 visa theo diện EB-5. Sau khoảng hai năm từ thời điểm nộp đơn, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh.

Tuy nhiên, sau 30/9/2016, mức đầu tư thấp nhất sẽ được tăng lên 800.000 USD. Do đó, đang có sự chạy đua của các nhà đầu tư để nhanh chóng tiến hành hoàn tất nộp hồ sơ trước thời điểm này. 

Cụ thể, mức đầu tư vào khu vực khuyến khích phát triển sẽ tăng từ 500.000 USD lên 800.000 USD; khu vực không khuyến khích phát triển từ 1 triệu USD lên 1,2 triệu USD; khu vực đô thị trung tâm sẽ không còn đươc ưu tiên phát triển và lệ phí tăng từ 1.500 USD lên 3.675 USD.

Theo một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này, hình thức đầu tư phổ biến nhất của người Việt Nam là vào các dự án hoặc trùng tu, chuyển đổi chức năng các di tích lịch sử để không thành các khu thương mại, văn phòng có sinh lời. Tuy nhiên, với các dự án này, nhà thầu sẽ dành riêng một khoản tiền để hoàn trả 100% vốn các nhà đầu tư định cư dạng EB-5 ngay sau khi dự án hoàn công, do đã có hàng loạt ưu đãi thuế cho việc trùng tu di tích lịch sử từ chính quyền tiểu bang lẫn liên bang.

Đầu tư dạng này được xem an toàn hơn đầu tư xây mới dự án vì khi xây mới, việc hoàn vốn có thể nhanh chậm phụ thuộc vào uy tín, khả năng kêu gọi tài chính của nhà thầu và tình trạng kinh doanh lời lỗ của dự án.

Trước tình hình Chính phủ các nước Mỹ, Australia, Canada... siết chặt chính sách đầu tư định cư, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam đã và đang chuyển sang đầu tư ở những đất nước khác vừa mới thông qua những chính sách đầu tư tương tự kèm các điều kiện dễ dàng hơn. Có thể điểm qua một số quốc gia châu Âu như đảo quốc Malta, đảo Síp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hoà Dominica...

Ưu điểm của việc lấy quốc tịch các nước châu Âu này là việc xét duyệt nhanh (chỉ từ 3 đến 4 tháng so với 16-17 tháng của Mỹ), số ngày lưu trú tối thiểu ít (chỉ 7 đến 14 ngày một năm trong những năm đầu), không giới hạn độ tuổi, không yêu cầu trình độ quản lý, ngôn ngữ bản địa. Đặc biệt, các nước này cho những mức ưu đãi thuế rất lớn cho cư dân không thường trú.

Tại Bồ Đào Nha, từ tháng 10/2012 đến tháng 4/2016, đã có 3.295 nhà đầu tư được cấp thẻ cư trú. Trong đó, có 3.112 nhà đầu tư vào bất động sản, 178 nhà đầu tư tài chính và 5 nhà đầu tư tạo việc làm cho người bản xứ. Đã có 5.034 thẻ cư trú được cấp cho người phụ thuộc. Tổng số tiền đầu tư vào chương trình Golden Visa là hơn 2 tỷ euro, trong đó số tiền đầu tư vào bất động sản là 1,8 tỷ euro. 

Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư cho mỗi chương trình đầu tư cũng rất giới hạn, song song với việc mức đầu tư tối thiểu ngày càng tăng. Chương trình “Nhà đầu tư cá nhân” của đảo quốc Malta có mức yêu cầu đầu tư một triệu euro nhưng chỉ giới hạn 1.800 suất.

Do đó, giới nhà giàu cũng phải chạy đua để nhanh chóng có lấy một suất quốc tịch cho mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng đảm bảo tất cả các điều kiện để nộp hồ sơ đầu tư, cho dù tiền là thứ họ không thiếu. Vấn đề là nguồn tiền của họ phải được chứng minh là tiền “sạch”. Điều này dẫn đến các dịch vụ tư vấn đầu tư định cư tại Việt Nam đang xuất hiện như nấm. 

Nhiều công ty tư vấn sẵn sàng tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn, giới thiệu đầu tư miễn phí tại các khách sạn 5 sao để thu hút nhà đầu tư. Tất nhiên, với mức đầu tư lên đến hàng triệu USD thì giá dịch vụ của những công ty này cũng cao ngất ngưởng. 

Tham khảo biểu phí của một trung tâm tư vấn đầu tư quốc tế, với một suất đầu tư dạng EB-5 trị giá 500.000 USD tại Mỹ thì trung tâm này bỏ túi 20.000 USD phí dịch vụ. Ngoài ra còn có phí luật sư 12.000 USD, phí quản lý dự án 50.000 USD và các loại thuế, phí khác phải nộp cho chính phủ, Sở Di trú Mỹ. Tổng chi phí cho suất đầu tư này rơi vào khoảng 590.000 USD.

Nguồn Vnexpress