Ông Phạm Nhật Vượng: Từ bất động sản đến “số 1” công nghệ

Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới. Nhưng trước mắt trong năm nay, tập đoàn này dự kiến sẽ đưa doanh thu lên mức 140.000 tỷ đồng và đạt 6.500 tỷ đồng lãi sau thuế.   

Phiên chiều 14/5, các chỉ số đã những phút thăng hoa với sự bứt phá mạnh cả về giá và lượng. VN-Index tăng 6,8 điểm tương ứng 0,71% lên 965,34 điểm còn HNX-Index cũng đạt được trạng thái tăng nhẹ lên 105,7 điểm.

Tuy vậy, số mã tăng – giảm không có sự chênh lệch đáng kể. Toàn thị trường có 305 mã tăng, 44 mã tăng trần so với 316 mã giảm và 35 mã giảm sàn.

Thanh khoản đạt 158,17 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.481,82 tỷ đồng và 33,9 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 482,12 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm qua ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp, thị giá đạt 113.500 đồng. Như vậy, mã này đến nay đã bù đắp được những thiệt hại diễn ra trong vòng 1 tháng qua.

Tới đây, Vingroup đã tổ chức họp thường niên ĐHĐCĐ năm 2019 vào ngày 23/5 tới với dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng năm 2019, tăng 15% so với thực hiện của năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 5%.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast trong một bài phát biểu gần đây cho biết, Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Ngoài điện thoại thì Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm.

Vào hồi đầu tháng này, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng gây bất ngờ khi công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách.

VinBus được cho biết sẽ vận hành hoàn toàn theo mô hình phi lợi nhuận, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn.

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo VDSC, hôm qua, thị trường đã có phiên giao dịch giàu cảm xúc với sự dẫn dắt của các cổ phiếu dầu khí và các cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. VN-Index đã lấy lại được ngưỡng quan trọng tại 965 điểm. Cơ hội đảo chiều xu hướng đang rộng mở nếu như sự tích cực tiếp tục được duy trì trong 1-2 phiên nữa.

Còn BVSC thì dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và tiến đến thử thách vùng kháng cự 966-972 điểm trong phiên kế tiếp. Tại đây, thị trường có thể gặp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh

để đánh giá sức mạnh của lực cầu vào thị trường hiện tại, nhất là trong bối cảnh khối

ngoại vẫn đang duy trì hoạt động bán ròng trong những phiên gần đây.

Mặc dù vậy, BVSC vẫn kỳ vọng vào khả năng chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng cản trên để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn quanh 980 điểm trong ngắn hạn.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,1% vào lúc khoảng 3h chiều ngày thứ Ba theo giờ Việt Nam. Trước đó, chỉ số có lúc giảm 1,25%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/1.

Chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực và đang đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới.

Phiên hôm qua, thị trường châu Á tiếp tục bị nhấn chìm do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,7%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông sụt hơn 1,5% khi đóng cửa.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên giảm 0,6%, trong đó cổ phiếu tập đoàn công nghệ SoftBank sụt hơn 5,4%. Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia giảm 0,9%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc là một ngoại lệ khi chốt phiên tăng hơn 0,1%.

Trước đó, theo thống kê của Bloomberg, trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán toàn thế giới đã đánh mất 1 nghìn tỷ USD vốn hoá trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là phiên sụt giảm mạnh nhất hơn 5 tháng của MSCI All-Country World Index.

Nguồn Dantri