Quá trình bình đẳng giới tại nơi làm việc đang đình trệ

Nhiều văn phòng phải chứng kiến sự rời đi hàng loạt của các nhân viên nữ, cũng là các bà mẹ, khiến quá trình bình đẳng giới đình trệ, theo CNBC Make It.

Phụ nữ đang nghỉ việc với tốc độ chóng mặt, theo CNBC Make It.

Theo báo cáo của KPMG chia sẻ với CNBC's Make It, nhiều phụ nữ phải nghỉ việc để chăm con do chúng học theo hình thức trực tuyến hoặc nhà trẻ đóng cửa.

Khảo sát của về quá trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập giới của KPMG kết hợp với Forbes Insights cũng chỉ ra sự từ chức hàng loạt của các nhân sự nữ gây ra một trong những vấn đề mất cân bằng giới trầm trọng nhất tại chốn văn phòng. Khảo sát này đã phân tích 300 giám đốc điều hành cấp cao tại các công ty lớn tài chính, công nghệ và chăm sóc sức khỏe của Mỹ.

Theo dữ liệu của Los Angeles Times, 1/3 bà mẹ có công việc ổn định đã nghỉ việc hoặc chuyển sang làm bán thời gian từ khi đại dịch bắt đầu.

Zoe Thompson, nhà lãnh đạo chiến lược xã hội tại KPMG Mỹ, cho hay kể cả ở giai đoạn hiện tại, khi đại dịch đã được kiểm soát tốt, vấn đề mất cân bằng giới tại nơi làm việc vẫn còn.

Quá trình đình trệ

Báo cáo cho thấy trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã đạt được những cột mốc đáng kể về bình đẳng giới. Tuy nhiên, tiến độ bình đẳng giới của họ đã chậm lại sau đại dịch.

KPMG báo cáo trong 2,5 năm qua, số lượng phụ nữ trong các cấp lãnh đạo chỉ tăng 4% và tăng 7% trong toàn lực lượng lao động,.

Tính đến năm 2022, trong hầu hết công ty được khảo sát, phụ nữ chỉ chiếm 17% vị trí lãnh đạo và 25% tổng số nhân viên. Trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kỳ vọng cả hai con số này sẽ tăng 6%. Con số này vẫn bị đánh giá là "tăng chậm" nếu so sánh với tỷ lệ phụ nữ trong dân số Mỹ (51%).

Báo cáo của KPMG đồng thời dự đoán các công ty có thể mất thêm nhiều thời gian để lấy lại đà cải thiện bình đẳng giới như khi trước đại dịch.

Theo một báo cáo khác gần đây của LeanIn.org và McKinsey& Company, quá trình bình đẳng giới trong lực lượng lao động đang chậm lại khiến phụ nữ, đặc biệt những người ở vị trí lãnh đạo, nghỉ việc với tỷ lệ chưa từng có .

Đa dạng, bình đẳng và hòa nhập giới

Bên cạnh giới tính, cuộc khảo sát của KPMG cũng xem xét các đối tượng khác như người da màu, các thành viên của cộng đồng LGBTIQ+, cựu chiến binh và người khuyết tật.

28% tổng lực lượng lao động của Mỹ hiện là người da màu, tăng 7% so với năm 2020. Cùng thời gian này, số lượng người da màu ở các vị trí lãnh đạo đã tăng 4%, từ 15% lên 19%.

"Mặc dù sự tăng trưởng này là đáng khích lệ, con số này vẫn tương đối thấp", báo cáo đánh giá.

Ở các đối tượng khác như cộng đồng LGBTIQ+ và những người khuyết tật, báo cáo còn cho thấy sự tăng trưởng nhân sự thấp hơn. Điều này có thể trở thành một vấn đề đối với nỗ lực đa dạng, bình đẳng và hòa nhập giới của một số công ty.

Nhân sự thuộc cộng đồng LGBTIQ+ tại các công ty tham gia khảo sát của KPMG có sự tăng trưởng chậm so với năm 2020. Ảnh minh họa: Unsplash.

Nhìn chung, 71% những người được khảo sát cho biết đã thực hiện nhiều hành động liên quan đến nỗ lực đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Khoảng 75% tin rằng số liệu về đa dạng, bình đẳng và hòa nhập đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh.

Gần một nửa số công ty được khảo sát cho hay đã cố gắng để hội đồng quản trị có thể được đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Tuy nhiên, theo báo cáo, nhiều công ty vẫn bị tụt lại phía sau dù rất cố gắng. Chỉ 12% công ty cho hay họ có những thay đổi đáng kể sau những nỗ lực trên.

Cách giải quyết

Theo báo cáo của KPMG, các công ty nên định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ "đa dạng", "bình đẳng" và "hòa nhập"; theo dõi quá trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập thông qua số liệu cũng như các trường hợp cụ thể của công ty; từ đó điều chỉnh các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng đặc biệt. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty phải giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng nhưng có tác động dài hạn.

"Công ty nên cung cấp hình thức làm việc linh hoạt cho những nhân viên đang làm cha mẹ, đặc biệt các bà mẹ, để họ vừa tiện chăm con vừa không ảnh hưởng đến chuyên môn công việc", Thompson lấy ví dụ về các bà mẹ nghỉ việc để ở nhà chăm con, bổ sung rằng các công ty nên có sự hợp tác với các tổ chức để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống khiến phụ nữ nghỉ việc.

Theo Elena Richards, Giám đốc về Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập của KPMG Mỹ, cách giải quyết có thể phù hợp với người này, không phù hợp với người kia. Nhưng điều quan trọng là phải rõ ràng mọi thứ, lắng nghe nhu cầu của nhân viên và cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết.

Nguồn: zingnews.vn