Sẽ tích lũy quanh ngưỡng 600 điểm

Áp lực bán ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế khiến mức độ phục hồi về giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản chưa rõ rệt dù dòng tiền đang có xu hướng hướng đến nhóm này. Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS), vùng dao động tích lũy quanh ngưỡng 600 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trong năm nay và hiện tại thị trường đang kiểm nghiệm sức cầu và dòng tiền tại vùng này.

Sẽ tích lũy quanh ngưỡng 600 điểm

Diễn biến điều chỉnh tiếp tục diễn ra rõ nét trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 25/9). Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của VN-Index khi chỉ số này đang thử thách tại vùng hỗ trợ mạnh 600 điểm. VN-Index giảm xuyên qua hầu hết các ngưỡng hỗ trợ mạnh như MA20, MA50. Điều đó cho thấy, thị trường đang có sự chuyển dịch đáng kể khi chuyển từ xu hướng tăng sang giảm ngắn hạn.

Về giao dịch, áp lực bán chốt lời vẫn duy trì ở mức cao tại nhóm phiếu dầu khí (PVS, PVC, PXS, PVB, PVT…) với mức xả bán mạnh nhất trong các phiên giảm điểm. Trong đó, cổ phiếu PXS có mức giảm mạnh nhất dòng “P”, giảm tới 29% chỉ trong 6 phiên giao dịch. Bên cạnh đó, GAS - cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong nhóm dầu khí, cũng đã giảm gần 17% kể từ vùng đỉnh 128.000 đồng/CP. Điều đó đã có tác động đáng kể tới xu hướng chung của thị trường, bởi trước đó nhóm dầu khí được xem như nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng dòng tiền của thị trường với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Mặc dù dòng tiền tiếp tục luân chuyển và có tín hiệu chuyển hướng sang một số cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán (SSI, HCM, KLS…) và bất động sản (SCR, VCG, HAG, KBC, CII, SJS, HDG…), nhưng nhìn chung áp lực bán ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế, khiến mức độ hồi phục về giá của nhóm này chưa rõ rệt. Bên cạnh đó, dòng tiền phân hóa mạnh mẽ khi chỉ tập trung vào một số ít nhóm cổ phiếu mạnh hơn thị trường (CVT, KSH, SFC, LGC, HAI, KSA…), trong khi phần còn lại đa số các cổ phiếu nghiêng về trạng thái giảm.

Về kỹ thuật, việc VN-Index giảm gần 45 điểm trong 3 tuần gần đây và đang trong xu hướng kiểm nghiệm vùng hỗ trợ mạnh 600 điểm mở ra khả năng sẽ sớm xuất hiện đợt hồi phục ngắn hạn, bởi thông thường sau các nhịp giảm từ 50 - 70 điểm (tương ứng VN-Index giảm từ 5 - 7%), thị trường đều có nhịp hồi phục khá. Về cơ bản, vùng dao động tích lũy quanh ngưỡng 600 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trong năm nay và hiện tại thị trường đang kiểm nghiệm sức cầu và dòng tiền tại vùng này. Nếu quan sát về chỉ số, biên độ dao động có thể xoay quanh vùng 600 +/- 10 điểm do hai cổ phiếu GAS và VIC đang giảm khá và phần nào tác động đến chỉ số chung.

Về dòng tiền, việc thị trường giảm mạnh trong 3 tuần gần đây và nhiều cổ phiếu giảm mạnh đang hấp dẫn dòng tiền bắt đáy trở lại thị trường, nhất là những cổ phiếu dòng P giảm nhiều như PXS, PXI, PXT… đã bắt đầu có tín hiệu hồi phục trở lại.

Thanh khoản mặc dù đã có xu hướng giảm so với vùng đỉnh, tuy nhiên vẫn giữ ở mức cao trên 3.000 tỷ đồng cho thấy sức cầu vẫn tốt, dòng tiền chờ mua trở lại vẫn khá dồi dào. Đặc biệt là không hề có sự hoảng loạn nào khi thị trường rơi vào các đợt giảm mạnh.

Theo ông Sơn, thị trường đã tạo một mặt bằng vững chắc tại vùng 600 điểm với tình hình vĩ mô tiếp tục ổn định và đang dần tốt lên. Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm trong thời gian tới sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường sớm hồi phục trở lại. Nếu xuất hiện đợt hồi kỹ thuật mạnh, VN-Index có thể tiệm cận lại vùng đỉnh cũ 644 điểm. Trong đó, những mã cổ phiếu nào giảm nhanh, giảm nhiều trong thời gian qua khả năng sẽ phục hồi lại nhanh. Nhà đầu tư cũng có thể chú ý thêm những cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản (SCR, VCG, HAG, KBC, SJS, HDG…), vật liệu xây dựng (CVT, BCC, SCJ, VCS…), sản xuất giấy (DHC…), nuôi trồng nông & hải sản (HVG, FMC, MPC, VHC…), sản xuất và phân phối điện (PPC, TBC, SBA, NLC, SHP…). Đây là những nhóm có khả năng thu hút được dòng tiền của thị trường trong thời gian tới.

Phan Hằng

{fcomment}