Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng phải chấp nhận mức bồi thường nửa tỷ đồng mỗi m2 để giải tỏa khu đất vàng, nhưng vẫn chưa thể triển khai dự án sau nhiều năm.
Khu đất 2 mặt tiền ở số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng tại dự án D’. San Raffles do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư gần đây đã được cơ quan quản lý chuyển đổi mục đích từ xây dựng văn phòng và nhà ở thành khách sạn 5 sao.
Là một trong những khu đất hiếm hoi có 2 mặt tiền nằm trên những tuyến phố chính, lại cách hồ Hoàn Kiếm chưa tới 100m, dự án này từng được giao cho các doanh nghiệp triển khai từ hơn chục năm trước, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống được quây rào kín xung quanh. Những ngày lễ Tết, khu đất được mở cửa tận dụng trông giữ xe cho khách đi chơi khu vực hồ Gươm.
Khu đất vàng gần đây đã được chấp thuận chuyển đổi chức năng từ công trình thương mại, văn phòng và nhà ở sang thương mại, khách sạn. Ảnh: Ngọc Thành |
Năm 2004, khu đất vàng có diện tích rộng hơn 4.000m2 được Thành phố giao cho Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Nhà Hà Nội (HANDICO) với mục đích xây dựng trung tâm thương mại dự kiến cao khoảng 7 tầng.
Tuy nhiên, sau 5 năm "đắp chiếu", khu đất được giao cho một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T. Ban đầu, T&T là sự góp vốn của Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà (80%), Công ty thương mại và Du lịch Tân Hoàng Minh (14%) cùng 2 cá nhân khác. Tuy nhiên, sau đó, cơ cấu cổ phần tại T&T có sự "đảo ngược" khi Tân Hoàng Minh chiếm tới 90%. Theo phê duyệt vào thời điểm đó, dự án D’. San Raffles sẽ là tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang với 5 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Nằm ở vị trí vàng nên việc giải phóng mặt bằng tại dự án này cũng ồn ào kéo dài với mức giá đền bù "khủng", kể cả so sánh với thời điểm hiện nay. Hai phần ba diện tích khu đất là thuộc sở hữu của Xí nghiệp Nhựa Hà Nội nên việc giải tỏa diễn ra khá êm thấm. Tuy nhiên, còn gần 300m2 là nơi sinh sống của 17 hộ dân thì chủ đầu tư đã mất nhiều thời gian để thương thảo khi một số gia đình đưa ra mức giá đền bù "kỷ lục", lên tới một tỷ đồng mỗi m2. Yêu cầu này không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng chấp thuận. Tuy nhiên, đến sát thời điểm cưỡng chế di dời, những hộ dân cuối cùng đã ký vào biên bản đồng ý nhận đền bù 500 triệu một m2 ở mặt tiền và mức thấp nhất là 200 triệu đồng.
Sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng kéo dài suốt 2 năm thì đến giữa năm 2011, Tân Hoàng Minh mới nhận được quyết định giao đất từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng phải mất 2 năm sau, chủ đầu tư mới hoàn tất thủ tục tiếp theo để tiến hành động thổ, đồng thời cam kết sẽ hoàn thành công trình trong năm 2014. Dù vậy, đến nay dự án vẫn đắp chiếu. Một trong những nguyên nhân chính theo chia sẻ không dưới một lần của lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh là dự án phải trải qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của các Sở ban nghành về thủ tục và các bước thiết kế, quy hoạch, chiều cao, kiến trúc công trình, xác định giá thu tiền sử dụng đất... Cụ thể, dự án vướng phải các yếu tố khách quan như: Luật thủ đô, quy chế nhà cao tầng trong nội đô lịch sử… khiến việc triển khai cũng như thực hiện các thủ tục mất quá nhiều thời gian.
Một lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng cho hay, được giao đất từ năm 2011 nhưng tới quý II/2014, đơn vị này mới nhận được Giấy phép quy hoạch của dự án do Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp. Và phải đến năm 2015, chủ đầu tư mới được chấp thuận bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc công trình với chiều cao 8 tầng. Tuy nhiên, khi đó lãnh đạo Tập đoàn này cũng cho biết, nếu với quy mô như vậy thì chủ đầu tư sẽ lỗ và dự kiến phải xây 15 tầng thì mới hiệu quả.
Trong văn bản gửi Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đầu tháng 7 vừa qua, phía Tân Hoàng Minh cũng cho biết từng đề xuất điều chỉnh chiều cao công trình từ 8 tầng lên 12 tầng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cơ quan chuyên môn cho rằng, với chiều cao như vậy sẽ dẫn đến tăng dân số cục bộ và quá tải hạ tầng cho khu vực. Do đó, Tập đoàn đã đề nghị chuyển đổi chức năng làm thương mại, khách sạn mà không làm nhà ở để bán. Đề nghị này đã được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội chấp thuận.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh một lần nữa khẳng định quy trình chặt chẽ trong xét duyệt hồ sơ, các thủ tục cấp phép là nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án gần như "đắp chiếu" suốt nhiều năm nay.
Ông Sơn cũng cho biết, tuy đã được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận về chủ trương chuyển đổi chức năng, song cùng với đó, chủ đầu tư sẽ phải xin lại một số thủ tục cấp phép thì mới có thể triển khai. Do vậy, trong thời gian tới, ông Sơn cũng cho biết chưa dám chắc đến khi nào dự án sẽ chính thức được triển khai và hoàn thành.
Nguồn Vnexpress
-
8 tháng, TNA lãi ròng 33 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch
-
Kết cục buồn của AR-15 sau chiến tranh Việt Nam
-
Đăng ký thành lập doanh nghiệp: “Bóng” nằm trên sân chơi nào?
-
Doanh nghiệp nhà nước tắc thoái vốn vì nghẽn pháp lý
-
BVH đạt doanh thu hợp nhất 9.133 tỷ đồng
-
Xe tự lái Google “cầu cứu” Quốc hội Mỹ
-
Tài xế Nhật Bản đâm chết người vì Pokémon Go
-
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giảm mạnh khi Alibaba và Tencent bị phạt
-
Cảnh báo ngộ độc rượu cuối năm
-
Địa chỉ nào cung cấp đá mài bóng chất lượng hiện nay?