“Tay lái” trẻ đưa Burger King bay cao

 Mới đây, tuần báo Bloomberg Businessweek của Hãng thông tấn Bloomberg Mỹ đã đăng bài báo nói về Daniel Schwartz, 33 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Burger King Worldwide Inc., chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh có hơn 13.600 cửa hàng lớn nhỏ trên thế giới,với doanh thu hàng năm lên tới 4 tỷ USD.

“Tay lái” trẻ đưa Burger King bay cao

Ngay sau đó, bài báo này đã được đưa lên mạng và thu hút lượng độc giả đáng kể, nhất là giới trẻ. Cũng dễ hiểu, để câu view (thu hút người đọc), bài báo đăng trên mạng có cái tít rất ngắn gọn nguyên văn tiếng Anh là Burger King - company run by children (tạm dịch là Burger King - doanh nghiệp được điều hành bằng lũ trẻ).

Tác giả bài báo Devin Leonard đã dày công tìm hiểu và phát hiện, bộ máy lãnh đạo cấp cao của Burger King chỉ toàn những thương nhân rất trẻ, trên dưới 30 tuổi. Trong số đó, trùm sò là Daniel Schwartz.

Sau khi được làm CEO vào tháng 6/2013, anh này chọn thành phần Ban giám đốc Burger King đều là những thanh niên cùng trang lứa. Trong đó, Joshua Kobza, 28 tuổi được trao chức Giám đốc phụ trách tài chính (CFO), trở thành nhân vật quan trọng thứ hai, chỉ sau CEO. Chính vì thế mà Bloomberg mới ví đây là “tổ lái” trẻ đang đưa Burger King bay cao.

Trong quý I năm nay, lợi nhuận của Burger King đã đạt 60,4 triệu USD, tăng gần gấp đối so với quý I/2013. Trong vòng 1 năm qua, Burger King đã mở thêm một số cửa hàng mới tại Brazil, Nga, Trung Quốc. Theo số liệu thống kê chính thức, Burger King hiện có tổng cộng 13.667 cửa hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với việc khai trương nhà hàng đầu tiên tại 26 - 28, Phạm Hồng Thái, quận 1, TP. HCM vào ngày 21/10/2012, Burger King đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, Burger King có tổng cộng 14 cửa hàng tại Việt Nam (tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng).

Trở lại với Daniel Schwartz, “tay lái” chính của tổ lái Burger King. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cornell nổi tiếng, Daniel Schwartz đã xông pha ngay vào lĩnh vực tài chính. Anh đã từng là chuyên gia phân tích tài chính trẻ, đầy triển vọng của Credit Suisse, tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn của Thuỵ Sỹ Chi nhánh tại Mỹ, làm việc tại văn phòng ở Boston (bang Massachussett).

Sau đó, anh đã gia nhập 3G Capital, quỹ đầu tư tư nhân của Brazil. Năm 2010, 3G Capital mua lại Burger King với giá 4 tỷ USD. Tháng 10/2010, Daniel Schwartz được 3G Capital điều động sang làm CFO Burger King.

Năm 2012, 3G Capital bán đi 30% cổ phần của Burger King và Burger King thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán NYSE (New York). Cổ phiếu của Burger King đang được giao dịch với mã BKW.

Tháng 6/2013, Daniel Schwartz được đề bạt vào chức CEO.

Hiện tại, anh có thu nhập gồm lương, thưởng tổng cộng là 5 triệu USD/năm, một con số cực cao với thanh niên chỉ có 33 tuổi đời.

Tác giả bài báo Devin Leonard còn nêu ra một vài chi tiết rất khó tin… mà thật. Đó là trong 2 ngày đầu tiên trên cương vị CEO, Daniel Schwartz đã làm việc như một lao công quét dọn phòng vệ sinh ở các cửa hàng. Anh đã dọn vệ sinh 15 toilet và làm việc thực sự. Sau đó, anh vào vai nhân viên bán hàng ở một cửa hàng đông khách bậc nhất ở Miami, bang Florida, nơi Burger King đặt trụ sở chính.

Đã có nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao Daniel Schwartz lại bắt tội mình làm cái công việc tầm thường và vô nghĩa như vậy, vì ngay ở công ty hạng nhỏ, giám đốc cũng chẳng tự mình đi làm chân quét rác bao giờ”. Daniel Schwartz chỉ trả lời rất đỗi tự nhiên là “cần biết tất mọi việc trong doanh nghiệp để điều hành cho sát”.

Có lẽ việc hiểu rõ mọi chi tiết nhỏ nhất trong hệ thống nhà hàng ít nhiều đều hữu ích giúp anh thành công trong điều hành ở vị trí cao nhất. Daniel Schwartz nhấn mạnh: “Ở chuỗi cửa hàng ăn nhanh, thực đơn không được quá nhiều món và phức tạp, bởi dễ dẫn đến tình trạng phục vụ chậm. Đã gọi là fast food, thức ăn nhanh là phải nhanh. Nhanh song không có nghĩa là kém chất lượng, ngược lại, chất lượng mọi mặt kể cả phục vụ phải tốt”.

Lên nắm quyền CEO, Daniel Schwartz đã cắt giảm chi phí bằng việc cắt giảm bổng lộc thái quá dành cho các cấp lãnh đạo. Chẳng hạn, như huỷ việc tổ chức bữa tiệc hàng năm dành cho các lãnh đạo ở 1 lâu dài tại Italia có chi phí lên tới nhiều triệu USD.

Mới đây, theo tạp chí kinh doanh nổi tiếng Fortune của Mỹ, sau Mark Zuckerberg, 32 tuổi, CEO Facebook, một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, Daniel Schwartz là CEO trẻ nhất trong danh sách Fortune 1000 (1000 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Mỹ theo xếp hạng của Fortune).

Tuy nhiên, cũng đã có người phát hiện ra một điểm yếu của anh, đó là trọng nam. Trong Ban lãnh đạo Burger King giờ chỉ toàn nam. Cuối năm ngoái, bà Flavia Faugeres, Giám đốc phụ trách marketing đã ra đi sau khi có quan điểm bất đồng với CEO.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}