Thế giới Di động quyết bứt tốc trên thị trường bách hóa

Giới thiệu những quầy rau, củ bên ngoài một cửa hàng Bách Hóa Xanh rộng 500 m2 ở quận 9, TP.HCM, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Thế giới Di động, gọi đây là “mô hình 5 tỷ”, vũ khí mới của chuỗi trong cuộc đua bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng. Ông Doanh đồng thời là CEO Bách Hóa Xanh.

Hơn một năm trước, ông Doanh từng chia sẻ “khách hàng vào mua bó rau, miếng thịt, mỗi hóa đơn chừng 50.000-80.000 đồng mà cửa hàng mỗi tháng bán được 2 tỷ đồng nghe như chuyện cổ tích”. 14 tháng sau, chuỗi bách hóa của Thế giới Di động thiết lập mục tiêu mới có 100 cửa hàng “mô hình 5 tỷ” vào cuối năm nay.

Bán gì cũng được khi có 1.000 khách/ngày

Đến giữa tháng 8, Bách Hóa Xanh có gần 1.600 cửa hàng đang hoạt động. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng. Những cửa hàng hoạt động ổn định trên 1 năm tại TP.HCM có doanh số cao hơn, bình quân 1,3-1,4 tỷ/tháng.

Một cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu chuẩn có diện tích khoảng 200-250 m2, phục vụ 600-700 lượt khách/ngày, nếu kinh doanh tốt có thể đạt doanh số gần 2 tỷ/tháng. Nhưng ông Doanh thừa nhận số lượng hàng hóa ở một cửa hàng như vậy chưa đủ làm khách hàng thấy phủ phê.

Chuỗi đã chọn hơn 10 cửa hàng, chủ yếu ở TP.HCM, có sức mua tốt để mở rộng diện tích sàn lên 500 m2, tăng số lượng đơn vị sản phẩm (SKU) hàng khô lên 4.500 và hàng tươi là 3.000. Những cửa hàng này được gọi là “mô hình 5 tỷ” với doanh thu hiện tại khoảng 4,5 tỷ/tháng, đón khoảng 1.000-1.400 lượt khách mỗi ngày.

Ngoài ra, cửa hàng theo mô hình mới đặt mặt hàng rau, củ, quả và gạo ở bên ngoài như chợ truyền thống. Khách hàng có thể ghé mua mà không cần vào bên trong như đi chợ. Ông Doanh gọi đây là nguyên tắc “dễ nhìn, dễ thấy, dễ lấy”.

Các mặt hàng rau, củ, quả nằm bên ngoài cửa hàng. Ảnh: Việt Đức.

Chuỗi bách hóa của Thế giới Di động đang muốn trở thành nơi mua sắm giống chợ nhất so với siêu thị và giống siêu thị nhất so với chợ.

Ông Doanh cho rằng các cửa hàng 500 m2 của mình có số lượng SKU hàng khô ngang ngửa với những siêu thị lớn. Tất nhiên, Bách Hóa Xanh không cung cấp được không gian rộng rãi, xe đẩy như đại siêu thị. Còn về chợ, vị CEO nói giá trị cốt lõi để hút khách của chợ truyền thống là hàng tươi. “Chúng tôi vẫn phải cố gắng nhiều để bằng chợ về hàng tươi”, ông chia sẻ.

Mô hình mới này cũng đem lại cơ hội mới cho nhà thuốc An Khang, thành viên của Thế giới Di động nhưng chưa được chú ý nhiều. Đặt một cửa hàng An Khang bên cạnh siêu thị Bách Hóa Xanh lớn, ông Doanh cho hay doanh thu của nhà thuốc bình quân đạt 12-15 triệu/ngày so với doanh số dưới 10 triệu của những nhà thuốc ở vị trí độc lập.

“Nếu có một địa điểm kinh doanh đón 1.000-1.500 người ra vào mỗi ngày, muốn bán gì cũng được”, ông quả quyết.

Bài toán mặt bằng 500 m2

Ông Doanh đánh giá với quy mô của TP.HCM, chuỗi của mình cần có 500-600 cửa hàng lớn 500 m2 và khoảng 1.000 cửa hàng tiêu chuẩn len lỏi vào các tuyến đường nhỏ, hẻm mới có thể khai thác hết thị trường. 100 điểm vào cuối 2020 và 500 điểm theo mô hình mới vào cuối 2021 là những cột mốc đang được công ty triển khai.

Yêu cầu mới là không mở thêm cửa hàng tiêu chuẩn cũ ở TP.HCM. Thay vào đó, chuỗi chỉ mở mới những cửa hàng với diện tích 500 m2. Những điểm bán hiện tại nếu đủ điều kiện cũng sẽ mở rộng lên thẳng “mô hình 5 tỷ” thay vì cơi nới dần như trước.

“Nếu có giá thuê hợp lý, chúng tôi sẵn sàng thuê luôn 600-800 m2. Phần mặt bằng dư sẽ làm kho và để mở rộng thêm trong tương lai”, ông Doanh nói.

Tuy nhiên, đề bài thuê mặt bằng lớn với giá tốt tại TP.HCM có độ khó rất khác giữa các quận trung tâm và khu vực vùng ven. Ông Doanh thừa nhận tìm được mặt sàn 500 m2 ở quận Bình Thạnh, Phú Nhuận là một thách thức, chưa nói đến quận 3 hay quận 1. Cửa hàng 2 tầng cũng là một giải pháp nhưng không tối ưu bằng 1 mặt sàn lớn.

CEO Trần Kinh Doanh giới thiệu quầy gạo bên ngoài cửa hàng. Ảnh: Việt Đức.

Bách Hóa Xanh hiện có gần 500 cửa hàng ở TP.HCM. Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng của Thế giới Di động vẫn vắng mặt ở quận 1 và 3 sau gần 5 năm hoạt động.

Giá thuê mặt bằng chính là lực cản. Sau dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh tại trung tâm TP.HCM đóng cửa, trả mặt bằng. Nhiều nhà phố trống khách gần nửa năm, chủ nhà hạ giá cho thuê nhưng theo ông Nông Văn Dũng, Giám đốc Bán hàng của Bách Hóa Xanh, giá vẫn rất “chua”. Chuỗi không sẵn sàng thuê những địa điểm giá từ 200 triệu/tháng trở lên.

“Chúng tôi muốn tiến về khu trung tâm 2-3 năm nay mà chưa tiến được. Nhưng các bạn đợi 2-3 tháng nữa, mẫu hình cửa hàng mới này sẽ xuất hiện ở quận trung tâm”, CEO Bách Hóa Xanh quả quyết, có vẻ như đã tìm được lời giải

Thách thức ở nông thôn

Mặt bằng khu trung tâm chỉ là một trong những vấn đề chuỗi bách hóa của Thế giới Di động đang phải giải quyết.

Bách Hóa Xanh đã hiện diện ở 23 tỉnh ngoài TP.HCM. Địa bàn xa nhất chuỗi đặt chân đến là huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cách TP.HCM 500 km về phía Bắc.

Doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ/tháng/cửa hàng nhưng những điểm bán ở các tỉnh, đi sâu vào nhiều tuyến huyện, xã có doanh số thấp hơn, trung bình dưới 1 tỷ/tháng. Bù lại, chi phí vận hành những cửa hàng này cũng thấp hơn so với khu vực thành thị.

“Ở tỉnh lúc này đúng là khó”, ông Doanh thừa nhận.

Lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho rằng đang thắng về không gian mua sắm, về hàng khô, hàng đông mát nhưng chưa so được với chợ nông thôn về thịt, cá, rau củ. “Cửa hàng hiện đại, có máy lạnh người ta bước vào rất thích nhưng nếu bán bó rau 10.000 còn ngoài chợ chỉ 5.000 thì họ không mua”, ông Doanh nói.

Kho hàng là một vấn đề khác. Theo ông Dũng, ở những tỉnh có nền công nghiệp mạnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, việc tìm một kho hàng đủ tiêu chuẩn dễ dàng. Bài toán này trở nên khó hơn rất nhiều tại một tỉnh không có thế mạnh công nghiệp, chẳng hạn như Đắk Lắk.

Trong khi đó, kho hàng phải được thiết lập trước khi mở siêu thị. Khi cửa hàng hoạt động chưa lâu và mật độ cửa hàng xung quanh kho chưa dày đặc, chi phí vận hành kho sẽ không được bù đắp đủ. Chuỗi từng thử giải pháp mở cửa hàng rồi mới làm kho nhưng đã từ bỏ vì việc cung ứng hàng hóa không đảm bảo.

Logistics cũng là một thử thách. 6.000 đồng là chi phí tăng thêm khi vận chuyển một thùng mì gói được vận chuyển từ TP.HCM đi Bình Thuận. Nhưng nếu tăng giá bán, chuỗi không thể cạnh tranh được, ông Dũng lấy ví dụ.

“Chúng tôi không phải ba đầu sáu tay để một lúc có thể làm quá nhiều việc. Những cái khó của thị trường tỉnh sẽ được giải quyết vào năm sau. Còn giờ ưu tiên là tập trung chuyển đổi cửa hàng sang mô hình mới”, ông Doanh nói.

Sau thời gian mở rộng nhanh chóng với tốc độ khai trương hơn 100 cửa hàng/tháng, Bách Hóa Xanh đang mở rộng chậm hơn để cải thiện chất lượng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh số bình quân trên một cửa hàng. Chuỗi sẽ kết thúc năm nay với mục tiêu 1.800 siêu thị, chỉ mở mới thêm 200 điểm đến cuối năm. Năm 2021, chuỗi bách hóa này chủ trương không mở rộng ra những tỉnh mới mà tập trung tăng mật độ cửa hàng ở các địa phương hiện hữu.

6 tháng đầu năm,. Bách Hóa Xanh đạt doanh thu gần 9.500 tỷ, gần bằng kết quả cả năm 2019. Năm 2020, doanh thu dự kiến của chuỗi khoảng 23.000-24.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn lỗ. Khi nào hòa vốn và có lời là câu hỏi ông Trần Kinh Doanh nhận được nhiều nhất trong mỗi cuộc họp với nhà đầu tư hàng quý.

CEO sinh năm 1973, người đưa Thế giới Di động có mặt ở 63 tỉnh thành, cho rằng đã làm kinh doanh, việc chưa có lời tất nhiên tương đối áp lực. Tuy nhiên, với một công ty xác định đi đường dài, chuyện lời lãi trước mắt không áp lực bằng việc không có cảm giác tiến triển trong công việc.

Hiện tại, lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối của chuỗi đã là số dương. Chuỗi đang tiến đến mục tiêu bù đắp được toàn bộ chi phí tại cửa hàng và trung tâm phân phối vào cuối năm 2020 đã gồm khấu hao. Nhưng tính cả chi phí quản lý chung, bao gồm lương của chính những nhân sự điều hành như ông Doanh hay ông Dũng, chuỗi này vẫn chưa hòa vốn.

“Bách Hóa Xanh nhất định phải có lãi trong năm 2021. Ngày nào bước ra khỏi ranh giới Đắk Lắk, Khánh Hòa, khi đó chắc tiền bạc đã rủng rỉnh”, ông Doanh hứa với cổ đông tại đại hội thường niên đầu tháng 6.


Nguồn: Báo Zing