Thời khóa biểu trò tiểu học cần thêm ‘môn ngủ bù’?

Đi học quá xa, bài tập quá nhiều… một ngày của không ít bé tiểu học đang kéo rất dài so với nhịp sinh học của độ tuổi.

Đi học quá xa, bài tập quá nhiều… một ngày của không ít bé tiểu học đang kéo rất dài so với nhịp sinh học của độ tuổi.

Sau 2 tháng nhập học, chị Thu Hồng bắt đầu thấy ân hận về sự lựa chọn trường cho con. Nhà đã chuyển xuống quận Hoàng Mai từ vài năm nay, nhưng gia đình chị Hồng vẫn chưa cắt khẩu ở quận Hoàn Kiếm, mục đích để sau này các con được học trường “xịn”.

Và năm nay cậu con trai vào lớp 1, theo đúng hộ khẩu được vào một trong những trường thuộc diện hot nhất mà không phải nhọc công xin xỏ hay đóng tiền trái tuyến.

Tuy nhiên, hài lòng không được bao lâu, chị Hồng đã lo lắng. Đó là vì hàng ngày con phải đi một quãng đường khá xa mới tới được trường - tính ra phải gần 10 km một lượt đi, về. Vì vậy, 6 giờ chị đã bắt đầu “hò đò”, gọi con dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học.

“Hàng ngày phải 10 giờ tối mới xong hết mọi việc sách vở quần áo để lên giường ngủ. Vậy mà sáng nào đưa con đi con cũng mắt nhắm mắt mở tiếp tục ngủ gục sau xe, nên dù con đã lớn vẫn phải sử dụng địu lưng vì sợ con ngã lăn đùng ra.

Sắp tới là mùa đông, nghĩ tới việc đưa con ra đường sớm mà thương con quá, chả lẽ lại chuyển về gần nhà học, để thêm cho con ít ra là nửa tiếng được ngủ” - chị Hồng băn khoăn.
Trò uể oải đến trường. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Còn anh Hoàng Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) bấm ngón tay nhẩm tính: Mỗi ngày con trai chỉ có hơn 6 tiếng để ngủ. "Đấy là tôi không cho con học thêm toán, văn, tiếng Anh, nhạc, họa...như nhiều phụ huynh khác mà đã thấy thương con đứt ruột" - anh Thanh phàn nàn trước cảnh sáng nào thức dậy cậu con cũng ngáp ngắn ngáp dài vì chưa tròn giấc...

Từ khi con bước vào lớp 2 đến nay, hiếm có ngày bé Tú (con anh Thanh) được ngủ đủ 8 tiếng: Hàng ngày, chuông đồng hồ thúc giục Tú dậy lúc 6h. Cộng thời gian vệ sinh, quần áo và ăn sáng - hai bố con bắt đầu rời nhà tầm hơn 7h để Tú kịp thời gian vào học...

Vợ chồng anh Thanh đã từng chắc mẩm rằng con đã học 2 buổi/ ngày ở trường thì tối về nhà sẽ có thời gian trò chuyện. Thế nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, cậu ấm đều đặn bê về một phiếu bài tập toán và phiếu tập viết về, chưa kể bài tập đọc...

“Thời gian học ở trường từ 8h sáng đến khoảng 17h. Tôi cứ tưởng với thời gian học trên trường như vậy thì các cô đủ thời gian hướng dẫn con học bài mới theo chương trình. Thời gian buổi chiều cô và trò sẽ cùng ôn lại những bài toán khó và củng cố kiến thức trong ngày. Vậy mà, tối tối tôi vẫn phải "bò" ra kèm con học”.

“Có nhiều dạng toán lớp 2 đòi hỏi khả năng tư duy tính toán nhanh của học sinh. Vì không thể làm thay con, muốn để con hiểu và hoàn thành nhiệm vụ cô giao nên cùng con xử lý xong phiếu toán 2 mặt cũng mất gần tiếng rưỡi. Thêm bài luyện chữ nữa cũng tốn thêm 30 phút. Cộng thêm thời gian soạn miệng tập đọc, soạn đồ dùng học tập...ngày nào cũng ngót 11h mới tắt đèn đi ngủ” – anh Thanh đếm đầu việc mỗi tối.

“Tôi quá “thán phục” những phụ huynh mà sau hai ca học chính ở trường, đón con cho ăn vội rồi lại vào... ca ba học tiếng Anh, học vẽ, học đàn, học nhảy. Rồi về nhà học tiếp ca 4 - hoàn thành bài tập trên lớp”.

Cùng cảnh, chị Hương ở quận Ba Đình (Hà Nội) than thở: “Bộ GD-ĐT cứ hô hào cải cách này nọ, rồi giảm tải chương trình - mà có giảm đâu. Thậm chí còn nặng hơn”. Chị dẫn chứng, con chị mới vào lớp 1 được một tháng mà học "căng như dây đàn", ngày nào đi học về cũng có phiếu bài tập về nhà.

Chưa hết, mới lớp 1 mà riêng môn toán đã có 4 quyển: toán 1, toán nâng cao, toán tự nhiên xã hội, bài tập toán cuối tuần...

“Tại sao với bậc tiểu học - học sinh được học 2 buổi, mà buổi chiều các cô giáo không xử lý gọn các kiến thức đã học trong ngày để tối về con có thời gian nghỉ, hay ít ra là được ngủ đủ giấc?” - chị Hương băn khoăn.

Chị Hương ví von, với lịch học ken đặc hàng ngày như vậy, nên chăng Bộ GD-ĐT nên xem xét bổ sung “môn ngủ bù” để học sinh tiểu học đủ lực ngày học 3 buổi?
Theo một nghiên cứu nhỏ từng được công bố trên tạp chí Pediatrics, những học sinh ngủ đủ giấc cư xử tốt hơn so với những học sinh thiếu ngủ.

Các nhà nghiên cứu từ đại học MacGill nhận thấy rằng học sinh tiểu học cũng như học sinh trung học, người có thời gian ngủ ít hơn có nhiều khả năng mất kiểm soát về mặt cảm xúc trong lớp học. Những học sinh này có thể khóc, tức giận cũng như có thái độ bốc đồng hơn những bạn khác.

Nghiên cứu được thực hiện trên 34 học sinh ở độ tuổi từ 7 đến 11 và có thói quen lên giường ngủ vào khoảng 9 giờ mỗi tối. Trong năm đêm liền, một nửa số học sinh được điều chỉnh sao cho họ ngủ ít hơn một giờ so với thường lệ. Trong khi đó, nửa số còn lại có nhiều hơn một giờ để ngủ vào mỗi đêm.

Giáo viên của các học sinh tham gia nghiên cứu không được biết ai là người ngủ nhiều hơn, ai là người ngủ ít hơn trong đám học trò của mình. Người giáo viên này phải ghi lại những hành vi mà người đứng lớp quan sát được trong một tuần. Cuối cùng, nghiên cứu rút ra được kết luận rằng học sinh ngủ ít hơn sẽ có những hành vi tiêu cực hơn.

Theo Tổ chức Nationnal Sleep Foundation, trẻ em từ 5 đến 12 tuổi cần 10 – 11 tiếng để ngủ. Trẻ mẫu giáo cần 11 – 13 tiếng và trẻ mới biết đi cần khoảng 12 – 14 tiếng để ngủ trong một ngày.

 

Nguồn: VTC News

{fcomment}