“Thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc “tiêu điều” sau cơn bão giá

Được xem là "thủ phủ" nuôi lợn, cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhưng sau “cơn bão giá” quét qua, hàng nghìn trang trại nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang phải bỏ hoang vì người chăn nuôi thua lỗ quá nặng, lâm vào cảnh nợ nần, không thể tái đàn. 

Từng được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, có thời điểm, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục có tổng đàn lợn lên tới khoảng 80.000 - 90.000 con. Vào thời điểm “hoàng kim”, cảnh mua bán lợn ở Ngọc Lũ vô cùng tấp nập, cũng chính nhờ chăn nuôi lợn mà kinh tế của người dân nơi đây mỗi ngày một phát triển, từ những người dân nghèo lam lũ, nhờ chăn nuôi lợn Ngọc Lũ bắt đầu xuất hiện nhiều “tỷ phú nông dân”.

Có thời điểm, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục có tổng đàn lợn lên tới khoảng 80.000 - 90.000 con.
Có thời điểm, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục có tổng đàn lợn lên tới khoảng 80.000 - 90.000 con.

Thấy nhiều người phất lên từ nuôi lợn, người dân trong xã bắt đầu cũng “đua” nhau mở trang trại, gia đình nào ít nuôi cũng đến vài chục con. Theo thống kê vào thời điểm năm 2017, xã Ngọc Lũ có hơn 2.000 hộ dân thì có hơn 1.000 hộ nuôi lợn. Thậm chí nhiều hộ dân còn bỏ ruộng hoang hoá để nuôi lợn.

Việc chăn nuôi càng thuận lợi hơn khi chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, được đặt gần xã Ngọc Lũ không xa. Trước thời điểm giá lợn hơi giảm đáy chạm sàn vào tháng 4/2017, ở đây mỗi ngày có đến 1.800 - 2.000 con lợn được các lái thương giao dịch rồi từ đây phân phối đi thành phố Hà Nội và toàn miền Bắc.

Nhưng đến cuối năm 2016, đầu năm 2017 giá lợn bỗng “lao dốc không phanh” khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ điêu đứng vì giá lợn quá rẻ mạt khi các thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng.

Theo tính toán của người chăn nuôi, họ mua lợn giống từ 42 - 45 kg với mức giá từ 75-78 nghìn đồng/kg lợn hơi. Nuôi tầm 5 tháng thì có thể xuất chuồng, nhưng khi bán ra họ sẽ lỗ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống ở chuồng trại, họ lỗ ít nhất là 1 triệu đồng/con.

Giá lợn đi xuống, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn đang kéo theo nhiều hệ lụy khác ở các làng quê. Hàng trăm hộ nuôi lợn phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, những cuốn sổ đỏ lần lượt được đem đi cầm cố, người dân Ngọc Lũ chua xót ví von, lợn ở đây “ăn nhà” “ăn sổ đỏ”. Nhà ít nợ mấy trăm triệu đồng, nhà nhiều nên tới hàng tỷ đồng. Thật sự đây là một cơn “siêu bão” lịch sử chưa bao giờ xuất hiện tại nơi đây. Nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ nặng, thậm chí nhiều người phải bỏ xứ mà đi làm ăn nơi khác để kiếm tiền trả nợ.

Từ chỗ đang là “thủ phủ” nuôi lợn, nhưng nay số lợn đã giảm khoảng 80% xấp xỉ chỉ còn gần 20.000 con. Những dãy chuồng nuôi để trống không, có chăng để tận dụng là nơi để đồ, nuôi vịt gà hoặc đang bị phá dỡ để trồng cây khác . Người dân nơi đây thật sự đã cạn vốn và cũng kiệt hi vọng vào khả năng giá lợn tăng lên trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, hiện giá lợn hơi vẫn chưa thực sự mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi như trước đây thì nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn cũng là những lý do khiến bà con chưa dám tái đàn.

Tại chợ đầu mối Hà Nam, từ chỗ ở đây mỗi ngày có đến 1.800 - 2.000 con lợn được các lái thương giao dịch rồi từ đây phân phối đi thành phố Hà Nội và toàn miền Bắc. Song, hiện nay theo ban quản lý chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam, số lượng lợn giao dịch tại chợ đã giảm xuống mỗi ngày chỉ còn 600 – 700 đầu lợn được giao dịch, tức đã giảm 2/3 so với trước kia.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, trước thời điểm bão giá, toàn tỉnh có khoảng 700.000 con lợn nhưng hiện chỉ còn xấp xỉ khoảng 400.000 con. Đa số hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Hà Nam đều sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và cho ăn thẳng nên việc duy trì vốn để mua cám cho đàn lợn hiện tại của các hộ dân là rất khó.

Đức Văn

Nguồn Dân trí