Thủ tục quản lý chuyên ngành hải quan vẫn hành doanh nghiệp

 Thủ tục quản lý chuyên ngành hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu một lần nữa làm nóng diễn đàn tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.

Thủ tục quản lý chuyên ngành hải quan vẫn hành doanh nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, đây vẫn là những thủ tục tạo gánh nặng nhiều nhất cho DN trong quá trình thông quan hàng hóa.

Thực tế, thời gian qua, cơ quan hải quan đã tích cực giảm thiểu khá nhiều thủ tục, giúp rút ngắn thời gian và giảm bớt chi phí cho DN khi thông quan, như áp dụng thủ tục thông quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất khẩu vẫn nằm ở các thủ tục quản lý chuyên ngành gắn với trách nhiệm các bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn về hải quan, Dự án Quản trị nhà nước nhằm phát triển toàn diện thủ tục hải quan cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2014, có 34% hàng hóa xuất nhập khẩu phải làm thủ tục quản lý chuyên ngành. Riêng tại TP. HCM, tỷ lệ hàng nhập khẩu cao gấp đôi, khoảng 60 - 70%, khiến luồng hàng nằm trong quá trình thông quan tăng lên, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.

“Một số vướng mắc nổi lên trong quản lý chuyên ngành hải quan là tình trạng trùng lập về quản lý; chưa có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; tồn tại khá nhiều giấy tờ, chủ yếu là thủ công; các cơ quan chưa kết nối với nhau, đặc biệt là hải quan; phí kiểm tra chất lượng hàng hóa, có nơi tính theo mẫu hàng, có nơi tính theo khối lượng khiến cho chi phí của DN tăng cao...”, ông Bình nói.

Theo phản ánh của nhiều DN, vướng mắc lớn nhất của các DN trong thủ tục quản lý chuyên ngành hiện nay là vấn đề kiểm tra hàm lượng formandehit đối với các sản phẩm dệt may. Điều đáng quan tâm ở đây là, tuy chỉ là quy định thủ tục kiểm tra thông quan chuyên ngành đối với sản phẩm dệt may, song thủ tục này lại khiến hầu hết các DN gặp trở ngại khi làm thủ tục thông quan đối với nhiều loại hàng hóa hầu như không liên quan đến dệt may.

Lý giải về vấn đề này, ông Bình cho rằng, nguyên nhân là do hiện nay Thông tư 32 của Bộ Công thương là văn bản quy định các thủ tục này nhưng lại quy định quá chung chung, khiến hải quan rất khó thực hiện.

“Mặc dù Thông tư chỉ đưa ra 3 nhóm hàng phải kiểm tra song lại bao trùm hầu hết các mặt hàng. Thậm chí, diện hàng hóa phải kiểm tra còn rộng hơn nữa khi Thông tư chỉ nói đến tên hàng mà không nói đến loại trừ trường hợp áp dụng. Điều này khiến cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra hầu như toàn bộ hàng hóa”, ông Bình cho biết.

Chính vì quy định như vậy đã dẫn tới tình trạng có nơi hải quan yêu cầu kiểm tra, nơi lại không với cùng một loại hàng hóa, nhập từ một nhà cung cấp. Thậm chí, với các sản phẩm nhập từ khu vực có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam hoặc sản phẩm có chứng nhận của các tổ chức có uy tín của nước xuất khẩu vẫn không được loại trừ. Không chỉ có vậy, đây cũng là loại thủ tục quản lý chuyên ngành yêu cầu số lượng giấy tờ nhiều nhất với 10 loại chứng nhận về hàm lượng formaldehit, trong đó có 7 loại có dấu sao (tức là chứng từ bắt buộc phải có). Do đó, hầu hết DN đã rất vất vả và mất thời gian, công sức để hoàn thành đầy đủ chứng từ, qua được “cửa ải” kiểm tra này.

Trường hợp của Công ty May Nhà Bè là một dẫn chứng điển hình. Đại diện của Công ty cho biết, nhiều năm nay, hầu hết nguyên liệu nhập khẩu của DN đều phải qua kiểm tra formandehit. Dù chưa một lần không đạt hàm lượng cho phép, song Công ty vẫn phải làm các thủ tục kiểm tra trước khi hàng được thông quan.

Hay trường hợp của Công ty Toyota Việt Nam khi nhập khẩu ô tô, trong ô tô có găng tay và khăn làm bằng vải nên hải quan cũng yêu cầu phải có kiểm tra hàm lượng formandehit. Điều này khiến DN rất bức xúc do vừa mất thời gian lại phải chịu thêm chi phí.

Theo ông Bình, cơ quan chức năng cần xem xét lại thông tư này theo hướng quy định cụ thể hơn, đưa ra diện mặt hàng loại trừ rõ ràng, tránh tình trạng kiểm tra liên quan hầu hết các loại hàng hóa, gây ảnh hưởng lớn đến DN như hiện nay.

Hiếu Minh

Nguồn Tin nhanh chứng khoán