Top 5 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và là trụ cột giúp thị trường chứng khoán hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản còn thấp và nền kinh tế còn đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong phiên 23/6, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên hồi phục khá ấn tượng sau khi chỉ số VN-Index xuống đáy trong hơn một năm qua. Trong 10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới VN-Index thì có tới 5 cổ phiếu ngân hàng, gồm VietinBank, Techcombank, BIDV, VIBank và MBBank.

Trong đó, VietinBank (CTG) tăng trần và đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu trụ cột ngành ngân hàng với tổng mức tăng lên tới 12%.

Trước đó, cổ phiếu CTG đã giảm xuống mức thấp nhât trong khoảng 1 năm rưỡi và bốc hơi khoảng 38% so với đỉnh, từ mức gần 40.000 đồng/cp hồi tháng 6/2021 xuống dưới 23.000 đồng, trước khi tăng trở lại mức trên 25.000 đồng sau 3 phiên tăng vừa qua.

Các ngân hàng đang hết room tín dụng.

Một điểm đáng chú ý là một số mã cổ phiếu ngân hàng, trong đó có Vietinbank thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hôm 23/6, các nhà đầu tư ngoại mua ròng 2,8 triệu cổ phiếu CTG.

Khối ngoại cũng mua gom một số mã cổ phiếu ngân hàng khác trong vài phiên qua như: Sacombank, Vietcombank, SHB…

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng thường hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức và trong nhiều giai đoạn là trụ cột trên thị trường chứng khoán. Nhóm này thường có lãi ngay khi nền kinh tế gặp khó khăn. Trong giai đoạn Covid, nhóm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, đồng loạt lên đỉnh lịch sử với hàng nghìn tỷ đồng.

Giá cả hàng hóa tăng cao được cho là không ảnh hưởng quá nhiều tới các ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây Ngân hàng Nhà nước có xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ và siết tín dụng cho vay nhằm chống lạm phát. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng tới triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian tới.

Theo SSI Research, các ngân hàng có thể sẽ được nới room tín dụng vào cuối quý III.

Nhiều ngân hàng có nguy cơ nhiều tiền mà không cho vay được. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hiện ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, từ 2%/năm trước đó về chỉ còn quanh 0,4%/năm.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có mức chiết khấu khá lớn 30-40%. Theo Agriseco, định giá ngành ngân hàng hiện tại theo P/B (1,6x) đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2,0) và thấp hơn so với VN-Index.

Theo SSI Research, ước tính năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm 2021, chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con...

Moody's mới đây nhận định cho rằng, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng Việt sẽ cải thiện khi tác động từ đại dịch Covid- 19 suy giảm.

Một số đánh giá cho rằng, khối ngân hàng có thể khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022. Tuy nhiên, định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn.

Dù vậy, các nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng trên thị trường chung. Hiện thanh khoản đang rất thấp và sự thận trọng vẫn ở mức rất cao.

Thanh khoản thấp, sự thận trọng cao

Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục đi ngang và VN-Index giằng co gần vùng hỗ trợ 1.155 điểm trong phiên giao dịch 24/6. Đồng thời, thanh khoản vẫn ở mức thấp tại các nhịp hồi cho thấy xu hướng ngắn hạn vẫn còn rất tiêu cực và dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

BSC cho rằng, VN-Index đã có một phiên tăng điểm mạnh mẽ, tuy nhiên dòng tiền chưa thật sự ủng hộ đà tăng này khi khối lượng giao dịch giảm mạnh. Trong những phiên tới, thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng 1.160-1.180.

Chốt phiên giao dịch 23/6, chỉ số VN-Index tăng 19,61 điểm lên 1.188,88 điểm. HNX-Index tăng 7,79 điểm lên 277,18 điểm. Upcom-Index tăng 1,06 điểm lên 86,7 điểm. Thanh khoản đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 10,1 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

 

Nguồn: vietnamnet.vn