Nói đến việc tiếp cận các loại giống và kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản, ông Phạm Văn Nhiêu là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu của TP Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Ông là người tiên phong đưa cá rô phi Bảo Lộc về nhân giống tại Việt Nam. Đồng thời tên tuổi của ông cũng gắn liền với các mô hình nuôi cá chim trắng, cá tra, cua, tôm càng xanh,... hiệu quả, giúp người dân tại quê hương phát triển kinh tế.
Vươn lên từ nghề nuôi cá giống
Trang trại của ông Phạm Văn Nhiêu nằm ở phía nam TP Hải Phòng, tại Xứ Đồng Ông Cẩm (thuộc địa phận xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng). Cơ ngơi trang trại của ông gồm hệ thống ao hồ nuôi thủy sản, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… đã trở thành một điểm sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại đây.
Được biết gia đình ông Nhiêu bắt đầu biết về nghề ươm cá trắm từ năm 1979. Đó cũng chính là cơ duyên giúp ông biết, hiểu, yêu và gắn bó nghề nuôi cá đến thời điểm hiện tại.
Ông Nhiêu cho biết, ban đầu công việc nuôi cá trắm chỉ với mục đích trang trải kinh tế gia đình mà theo như ông chia sẻ thì “thời bấy giờ chỉ mong muốn làm sao cuộc sống chỉ là đủ ăn thôi chứ không bao giờ nghĩ cuộc sống để làm giàu”. Cũng vì lý do trên mà sau đó, ông đã thử thêm nhiều nghề khác ngoài nghề cá.
Ông Phạm Văn Nhiêu
Theo thời gian, cùng với một vài những biến đổi của thời cuộc, ông Nhiêu đã nhanh chóng nhận ra rằng bản thân thực sự đam mê với chính những con giống mà mình nuôi trồng cũng như tiềm năng giá trị mà chúng đem lại. Từ đó, ông Nhiêu chuyên tâm gắn bó với nghề, quyết tâm ăn - ngủ cùng những con cá, con tôm.
Từ những chuyến xe thồ chở cá đi bán cho các nhà dân trong xã, lượng khách ngày một đông hơn, cá giống của gia đình ông Nhiêu đã được các huyện lân cận biết đến. Không dừng lại đó, với sự nhanh nhạy và hiểu rõ nhu cầu của bà con nên sau năm 90, ông Nhiêu cùng với chị gái của mình - một kỹ sư thủy sản - đã nghiên cứu cách thức cho cá trắm đẻ và bắt đầu bán cá bột (cá con giống) cho các tỉnh khác.
Đến năm 1995, khi cá bột đã có một chỗ đứng nhất định tại địa phương, ông Nhiêu tiếp tục đầu tư nhiều hơn để phát triển. Từ chiếc xe đạp đơn sơ, ông chuyển sang xe máy và tự mình đưa cá giống tới nhiều tỉnh miền Bắc như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Tới đâu, sản phẩm con giống của ông cũng nhận được sự tín nhiệm của người nuôi cá tại địa phương đó. Tiếng lành về người “buôn" cá giống Phạm Văn Nhiêu ngày càng lan xa.
Không dừng lại ở làm giàu
Luôn tìm tòi, đổi mới, ông Phạm Văn Nhiêu đã đánh dấu sự thành công khi cho nhân rộng các giống thuỷ, hải sản khắp nơi. Nhờ sự nhanh nhạy, ông đã mày mò học hỏi kinh nghiệm từ tiểu thương của nước láng giềng mang kiến thức ấy về phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Sáng tạo, ham học hỏi, ông Nhiêu đã nhiều lần đem con giống về phát triển tại Việt Nam
Sau cá giống, ông Nhiêu lại tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nuôi tôm càng xanh, cá chim trắng. Từ những kinh nghiệm đã có, người nông dân Tiên Lãng này lại tiếp tục đưa mô hình nuôi tôm càng xanh và cá chim trắng phát triển vượt bậc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Nhiêu chia sẻ: “Năm 1996, nghe bên Trung Quốc có nhiều cá chim, tôi đã nhờ ông Căn – lúc đó là Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi của Móng Cái dẫn sang đó để tìm hiểu và nhập cá chim của ông Hàn Xì Hiệp. Lúc đó, mục đích tiêu thụ ở Việt Nam còn ít, tôi dùng xe máy chở về bán với số lượng khoảng 5000 - 7000 đến 1 vài vạn (vài chục nghìn) con. Sau đó, người dân thấy nuôi con cá chim hiệu quả, bắt đầu tôi chuyển sang bắt về ươm và bán.”
Một mặt cung cấp cá chim trắng cho thị trường miền Bắc, ông Nhiêu còn tiếp cận thị trường và điều kiện tự nhiên tại các tỉnh Nam Bộ như: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Nhận thấy tiềm năng phát triển, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng và cung cấp con giống cho thị trường các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.
Nối tiếp sự thành công của cá chim trắng, ông Phạm Văn Nhiêu tiếp tục đưa tên tuổi của mình ngày một vang xa với tôm càng xanh. Ông đã chuyển giao mô hình nuôi giống tôm này cho 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đạt hiệu quả rất cao. Minh chứng là trong khoảng 5 năm, từ năm 2002 - 2007, ông Nhiêu đã lần lượt xây trại dưỡng tôm tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Luôn cố gắng tìm hiểu về mặt kỹ thuật để cải tạo chất lượng cá, làm sao để con giống phát triển tốt và khỏe mạnh hơn, các giống thủy sản nhập khẩu từ các nước láng giềng đều được ông Nhiêu nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Chia sẻ với đầy sự say mê, ông Nhiêu nói: “Thực ra thì tất cả con có đều có bệnh và nó bị ảnh hưởng của thời tiết. Khi mình cho ăn vào những ngày nắng nóng quá thì cũng sẽ gây cho cá bị bệnh, ví dụ về buổi chiều trời nắng nóng mà cho ăn thì tiêu hóa của cá sẽ bị kém và con cá hay sinh bệnh, còn trời giao mùa thì cá hay bị nấm. Nói chung con cá thì mình phải phòng bệnh trước hơn là chữa bệnh, mình phải quản lý nguồn nước tốt thì con cá mới đem lại hiệu quả.”
Con đường không phải lúc nào cũng trải hoa hồng
Không có thành công nào là không nếm mùi chông gai, như bao người cùng làm nghề nuôi trồng thủy sản khác, ông Nhiêu cũng từng trải qua những thất bại để đời. Đặc biệt, còn là người tiên phong đưa các giống cá mới từ nước ngoài về Việt Nam, nên ông Nhiêu cũng gặp không ít những khó khăn.
Quyết gắn bó với nghề cá, ăn ngủ cùng con giống đã giúp ông Nhiêu thành công sau nhiều lần thất bại
Ở những ngày đầu khởi nghiệp, việc vận chuyển cá ở bên nước ngoài về vô cùng khó khăn, gây trở ngại vô cùng lớn đối. Ông kể rằng: “Khi mang con cá chim về thì tự mình khuân vác qua đường biên rồi cho lên xe máy chở về nhà, từ đó về đến nhà thì tầm 350 km vậy cả đi cả về rơi vào khoảng 700 km, tính cả sang Trung Quốc đi nữa thì sẽ rơi vào khoảng 800 km trong một ngày đi. Thời gian đó thì mình cần phải có sức khỏe và kinh nghiệm cộng với lòng dũng cảm thì mới có thể vượt qua được.”
Khoảng cách địa lý, khác biệt về môi trường và điều kiện thời tiết nuôi trồng cũng nhiều lần đẩy ông Nhiêu nhiều lần lâm vào cảnh mất trắng. Có vụ cá chết dày cả một đáy ao đến 20cm vì không chịu được rét. Lại còn có những ngày ăn ngủ cùng với tôm, cả đêm nhìn con tôm ăn, nhìn nó bài tiết,... để hiểu nó, chăm sóc nó. Không ngại khó, không ngại khổ, ông Nhiêu vẫn từng ngày kiên trì theo dõi, quan sát để thuần hóa và cải thiện chất lượng con giống ngày một tốt hơn.
Đi lên từ những lần thất bại, ông Nhiêu chia sẻ: “Trong thời gian để vận chuyển con tôm hay con cá đôi lúc mình vận chuyển từ bên kia về hay bị nấm thì mình phải cầm thuốc đi để tắm cho con cá sau đó rồi mới chuyển về đến nhà. Nhiều người đi về đến nhà bị chết sạch, nhưng tôi vận chuyển về đến nhà thì nó vẫn sống được đến 90%. Bởi vì khi mình đi đường mình phải biết được con cá nó thiếu cái gì, nó cần lượng oxi ra làm sao và ở bên đó người ta đánh bắt có đảm bảo cho mình vận chuyển không thì đó là yếu tố để vận chuyển được con cá về.”
Thay đổi lối mòn, nối tiếp đam mê
Đặt cả tâm huyết của mình vào từng con tôm, con cá,..., trong những năm vừa qua ông Phạm Văn Nhiêu đã đạt được những thành quả vô cùng ấn tượng. Với bản lĩnh và kinh nghiệm gần 30 năm đam mê với nghề nuôi cá, chàng thanh niên ngày nào đã trở thành “nghệ nhân thủy sản” không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, mà còn luôn tìm tòi những cái mới, phương thức mới nhằm cải tạo giống cá và chất lượng cá, giúp đỡ bà con ở địa phương vươn lên thoát nghèo với nghề nuôi trồng thủy sản.
Năm 2017 – 2018, cũng chính ông là người đầu tiên đưa giống cá mới - cá rô phi Bảo Lộc, dòng cá rô phi tốt nhất của Trung Quốc về, cung cấp độc quyền cho thị trường trong nước. Được biết, đây là giống cá mà ông Nhiêu rất đam mê và mong muốn người dân biết đến, bởi theo ông Nhiêu: “Cá rô phi Bảo Lộc phát triển rất tốt, thức ăn của nó thì chỉ cần nuôi đến 1 kg thì hết 1,3 nên là lợi nhuận của nó cao hơn những dòng cá khác.”
Cá rô phi Bảo Lộc - giống cá được ông Nhiêu đăng ký phân phối độc quyền tại Việt Nam
Với ông Nhiêu, “nghề thủy sản này thực sự ngấm vào máu”, ông muốn làm đến bao giờ mà cảm thấy mình không làm được nữa thì mới bỏ nghề thủy sản. “Còn lúc nào chân còn bước được, mồm còn nói được, còn đi được thì không bao giờ bỏ cái nghề thủy sản này cả.”
Những năm gần đây, ông Nhiêu vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê với thủy hải sản, mở rộng quy mô nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” và nuôi cá tra, tôm, rươi. Mạnh dạn thay đổi lối mòn trong môi trường nuôi truyền thống bằng phương pháp nuôi cá “sông trong ao” theo công nghệ tiên tiến của Israel, chỉ sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, với 2 “sông” đầu tiên, ông Nhiêu thu hơn 80 tấn cá, lãi gần 1 tỷ đồng.
Mô hình “sông trong ao” tại trang trại của ông Nhiêu
Từ các mô hình nuôi trồng tôm, cá, rươi,... ông Nhiêu không chỉ thu về những “con số khổng lồ” mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 – 10 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về định hướng về chiến lược phát triển trong thời gian tới, ông Nhiêu cho biết bản thân ông hiện đang cùng công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh nghiên cứu, ứng dụng KHCN để tạo ra những giá trị thiết thực từ chính niềm đam mê của mình.
Đem theo những đam mê cháy bỏng tuổi đôi mươi cùng kinh nghiệm dày dặn được tích lũy trong suốt quãng thời gian làm nghề, ngọn lửa nhiệt huyết của “nghệ nhân thủy sản” Phạm Văn Nhiêu kết hợp với những tiến bộ kỹ thuật từ công ty Bảo Minh chắc chắn sẽ tạo ra một chuỗi giá trị nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn sạch và an toàn.
-
Cho thuê cửa hiệu ở Hồng Kông: Từ 'hốt bạc' đến lao đao vì Covid
-
Dòng tiền vào chứng khoán chững lại
-
Chứng khoán ngày 15-7: Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, dự báo thị trường tăng điểm
-
Trung Quốc phản pháo Mỹ, không chịu dừng cải tạo ở Biển Đông
-
Doanh nghiệp vẫn sợ nhất thủ tục đất đai, đăng ký kinh doanh
-
Samsung W22 5G ra mắt: bản đổi tên của Galaxy Z Fold3, màu sang chảnh, giá 2.644 USD
-
Mở lại đường bay đi Nhật Bản từ ngày 18/9
-
Sắp có hội chợ bất động sản lớn nhất năm tại Hà Nội
-
Chứng khoán rơi 22 điểm phiên đầu tuần
-
CEO doanh nghiệp nhà nước, hết thời "sống lâu lên lão làng"