Ưu tiên làm nhiều tuyến nối trung tâm TP.HCM - Hóc Môn, Củ Chi

Hàng loạt dự án trọng điểm kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực tây bắc TP sẽ được Sở GTVT TP thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM giai đoạn 2020-2030, ngành giao thông đặc biệt chú trọng vào các dự án ở Củ Chi, Hóc Môn. Theo đó, hàng loạt dự án lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 3, vành đai 4, metro số 2 (giai đoạn 3), đường trên cao số 5… sẽ được Sở GTVT tham mưu UBND TP.HCM ưu tiên đầu tư.

Hàng loạt dự án được thúc đẩy đầu tư

Ông Trần Quang Lâm cho biết khu đô thị trung tâm của TP là khu vực nội thành hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm, mở rộng phát triển theo các hướng đông, nam, tây bắc, tây và tây - nam. Trong đó, hướng tây bắc thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi, có hành lang phát triển là tuyến quốc lộ (QL) 22. Khu vực này có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển khu đô thị Tây Bắc, diện tích khoảng 6.000 ha.

Theo ông Lâm, để phát triển khu vực tây bắc TP, Sở GTVT sẽ tham mưu, đề xuất UBND TP tập trung ưu tiên đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm. Cụ thể như dự án đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP.HCM dài khoảng 47,51 km; dự án vành đai 4 có chiều dài 198 km, đoạn qua địa bàn TP.HCM dài khoảng 16,75 km.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ ưu tiên đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50 km, tổng mức đầu tư dự kiến 15.902 tỉ đồng. Tiếp đến là dự án nâng cấp mở rộng QL22, đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, chiều dài tuyến 5,4 km, quy mô mặt cắt ngang 39,5 m. Trong dự án này, ngành giao thông sẽ xây dựng hai cầu vượt tại vị trí nút giao QL22 - Nguyễn Ảnh Thủ và nút giao QL22 - Nguyễn Văn Bứa.

TP.HCM sẽ ưu tiên nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa. Ảnh: ĐT

Đặc biệt, Sở GTVT cũng thúc đẩy thực hiện tuyến metro số 2, giai đoạn 3 (Bến xe An Sương - khu đô thị Tây Bắc), dài tuyến khoảng 28 km, có depot đặt tại huyện Củ Chi.

Song song TP cũng có phương án đầu tư dự án đường trên cao số 5 đi trùng với đường vành đai 2 (QL 1) từ nút giao Trạm 2 đến An Sương, tổng mức đầu tư dự kiến 15.405 tỉ đồng.

Ngoài ra, TP cũng chú trọng các dự án khác ở khu vực tây bắc như xây dựng cảng cạn Củ Chi, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng; mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn; dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn…

Đề xuất các giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư

Theo ông Trần Quang Lâm, để huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất một số giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

Trong đó, Sở GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP. Đồng thời, sở tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đưa ra các phương án khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai của TP. Cụ thể như đấu giá quỹ đất sạch, đấu giá trụ sở cơ quan, đơn vị để tạo nguồn thu cho ngân sách. Cạnh đó, sở sẽ rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro và vùng phụ cận…

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định: Để phát triển khu đô thị Tây Bắc thì hạ tầng giao thông cần đi trước một bước. Trong đó, lãnh đạo TP và Sở GTVT cần làm rõ sự phân công đầu tư, dự án nào của quốc gia và dự án nào của TP, tránh tình trạng TP đầu tư tất cả gây thiếu vốn.

Theo đó, TP cần chú trọng đầu tư các dự án kết nối trung tâm với các khu đô thị như tuyến QL 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các tuyến vành đai và các tỉnh lộ. Đồng thời, TP muốn phát triển khu đô thị Tây Bắc thì các dự án kết nối với quận Gò Vấp và các khu vực khác cũng cần được đầu tư đồng bộ.

Theo ông Cương, vành đai 3, vành đai 4 đã có kế hoạch thực hiện nhưng nếu làm cùng lúc sẽ quá sức vì vốn đầu tư quá lớn. Theo đó, TP cần có kế hoạch từng bước, không nóng vội để thực hiện các dự án. Nhà nước cũng cần tính toán nhu cầu thị trường để đưa ra quy hoạch khu thương mại và công nghiệp, cùng với các chính sách thu hút xã hội hóa… Như vậy khu đô thị Tây Bắc mới thực sự thu hút các nhà đầu tư.•

Cần hơn 970.000 tỉ cho giao thông giai đoạn 2020-2030

Sở GTVT TP.HCM cho biếtquan điểm của TP về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030 sẽ ưutiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Đồng thời ưu tiên đầu tư các dự án liên kết vùng, phát triển hệ thống logictics để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030. Nhu cầu vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 970.654 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng, vốn khác (TODA, PPP…) khoảng 570.925 tỉ đồng. 

Nguồn: https://plo.vn/uu-tien-lam-nhieu-tuyen-noi-trung-tam-tp-hcm-hoc-mon-cu-chi-post675792.html