WHO cảnh báo Covid-19 có khả năng thành đại dịch

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Getty.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, quyết định sử dụng từ “đại dịch” (“pandemic” trong tiếng Anh) sẽ dựa vào các đánh giá hiện nay về phạm vi lây lan của coronavirus mới xét về mặt địa lý, độ nghiêm trọng và tác động đối với xã hội.

Hiện nay, chúng ta chưa chứng kiến virus này lây lan không kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, ông nói.

Lãnh đạo WHO nói rằng, coronavirus mới đang ảnh hưởng nhiều nước trên thế giới theo nhiều cách khác nhau, chúng ta cần các cách xử trí phù hợp.

Trước đây, WHO tuyên bố dịch bệnh do coronavirus mới gây ra (Covid-19) là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC trong tiếng Anh – viết tắt).

Hiện không có định nghĩa chính xác về “đại dịch”. Xác định đâu là dịch, đâu là đại dịch là công việc của các nhà dịch tễ học.

Các nhà dịch tễ học hiện chưa sử dụng thuật ngữ “đại dịch” vì họ chưa thấy những trường hợp lây nhiễm bền vững (nhiều, liên tục) trong số những người gần đây không tới Trung Quốc, hoặc không có tiếp xúc gần với người gần đây tới Trung Quốc.

Hiện chưa có nước nào xuất hiện một chùm bệnh nhân. Để được coi là một chùm bệnh, virus phải lây lan một cách bền vững, từ người sang người, từ thời điểm này sang thời điểm khác, qua nhiều đợt lây nhiễm.

Đã đến lúc chuẩn bị

Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về y tế của WHO, ngày 24/2 nói rằng, hiện còn quá sớm để tuyên bố đại dịch do coronavirus mới gây ra, nhưng đã đến lúc chuẩn bị.

“Hãy xem chuyện gì đã xảy ra ở Trung Quốc. Chúng ta thấy số ca mắc giảm mạnh, đi ngược lại logic của đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy số ca mắc tăng mạnh ở những nơi như Hàn Quốc. Vì thế, chúng ta vẫn đang ở mức cân bằng”, ông Ryan nói.

“Chúng ta đang ở giai đoạn chuẩn bị cho một đại dịch có thể thể xảy ra”, ông nhận định.

Ông Ryan cho rằng, các nước phải chuẩn bị để điều trị bệnh nhân và khống chế coronavirus mới bằng cách biện pháp phù hợp.

Chính phủ Mỹ có kế hoạch gửi 50 người mắc Covid-19 tới thành phố Costa Mesa ở miền nam bang California để cách ly tại Trung tâm Phát triển Fairview. Tuy nhiên, giới chức thành phố này phản đối với lý do Fairview không phải là địa điểm thích hợp để cách ly vì không có cách để bảo đảm cơ sở này “nội bất xuất ngoại bất nhập”.

Theo kế hoạch, đại diện Costa Mesa sẽ xuất hiện tại tòa chiều 24/2 (giờ địa phương) để bảo vệ quan điểm của thành phố.

Trong khi đó, ông Ryan Detrick, chuyên gia của LPL Financial (công ty môi giới độc lập lớn nhất tại Mỹ), nhận định Covid-19 sẽ kéo giảm mức tăng trưởng và thu nhập ở nhiều nước trong năm 2020.

“Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay, nhưng nếu virus tiếp tục lây lan sang các phần khác của thế giới, chúng ta có thể thấy triển vọng tăng trưởng và thu nhập giảm nhanh chóng”, ông Detrick nói.

Phiên giao dịch sáng 24/2, thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 1.000 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.400 điểm trong 3 ngày giao dịch vừa qua.

Thế giới hiện có hơn 2.600 người chết vì Covid-19. Ổ dịch lớn nhất châu Âu là ở Italy, nơi có 5 người thiệt mạng vì coronavirus mới.

Ngày 24/2, Hàn Quốc công bố có thêm 231 ca Covid-19, nâng tổng số lên quá 830, trong đó hơn một nửa liên quan giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), CNN đưa tin.

Bên ngoài bệnh viện ở Italy nơi có bệnh nhân Covid-19 được cách ly. Ảnh: NurPhoto.


Nguồn: Báo Tiền Phong