4 đường kỹ thuật chứng khoán được sử dụng nhiều nhất

Dựa vào các chỉ báo, nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật có thể đo lường biến động giá, xác định xu hướng thị trường và tìm được thời điểm giao dịch phù hợp. Vậy có những chỉ báo, đường kỹ thuật chứng khoán nào đang được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay?

Trong chứng khoán, nếu như phân tích cơ bản có thể giúp nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng thì phân tích kỹ thuật (Technical Analytics – TA) đóng vai trò xác định thời điểm thích hợp nhất để tham gia thị trường. Phương pháp này hoạt động dựa trên các dữ liệu về giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ trên biểu đồ để đưa ra dự đoán xu hướng trong tương lai. Vì vậy, hệ thống chỉ báo (Indicators) có chức năng rất quan trọng.

Các nhóm chỉ báo phổ biến trong phân tích kỹ thuật chứng khoán

Trong thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng, chỉ báo kỹ thuật thường được biểu thị dưới dạng biểu đồ, được tạo ra dựa trên những tính toán về khối lượng, giá lịch sử để dự đoán xu hướng di chuyển của dòng tiền, của giá cả và thị trường. Mỗi công thức tính toán, xây dựng khác nhau sẽ cho ra nhóm chỉ báo khác nhau. Thông thường, nhà đầu tư sẽ kết hợp nhiều chỉ báo để tăng độ chính xác khi đưa ra dự báo, tối ưu chiến lược giao dịch.

Các nhóm chỉ báo hiện nay gồm có:

  • Chỉ báo xu hướng (trend following) dùng để đánh giá xu hướng thị trường ở hiện tại và các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai. Bao gồm các đường: MA, MACD, Parabolic Sar, CCI (commodity channel index)…
  • Chỉ báo động lượng (momentum) dùng để xác định tốc độ thay đổi của giá, bao gồm các đường RSI (relative strength index), Stochastic, ROC…
  • Chỉ báo khối lượng giao dịch (Volume indicators) là những phép tính toán kết hợp giữa giá và khối lượng giao dịch để xác định sức mạnh của xu hướng, bao gồm các đường MFI (money flow index), OBV (on balance volume)…
  • Chỉ báo đo lường biến động (Volatility indicators) gồm các đường như Bollinger bands, ATR (average true range), ADX (average directional movement index)…
  • Chỉ báo hỗ trợ và kháng cự cho biết các mức giá trên biểu đồ tạo thành rào cản/ hỗ trợ khiến giá chứng khoán được đẩy theo một hướng nhất định như điểm Pivot, kênh Donchian…

4 đường kỹ thuật chứng khoán thông dụng nhất

Như đã đề cập, với mỗi cách tính, cách xây dựng khác nhau, người ta có thể tạo ra nhiều loại chỉ báo khác nhau. Trong đó 4 loại chỉ báo: đường trung bình động, đường MACD, RSI và đường Bollinger bands là những đường kỹ thuật chứng khoán được nhiều nhà đầu tư áp dụng. 

Đường trung bình động – MA

Đường MA (Moving Average) là đường trung bình động, chỉ báo xu hướng giá cổ phiếu (tăng hoặc giảm hoặc không có xu hướng) trong một khoảng thời gian. Có 3 loại đường MA mà bạn có thể sử dụng, đó là:

  • Đường trung bình động giản đơn Simple Moving Average (SMA) được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Đường trung bình lũy thừa – Exponential Moving Average (EMA) được tính bằng công thức hàm mũ. Đường này coi trọng các biến động giá gần nhất nên So với SMA, EMA nhạy cảm hơn với các biến động ngắn hạn, các tín hiệu thất thường.
  • Đường trung bình tỷ trọng tuyến tính Weighted Moving Average (WMA) coi trọng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, quan tâm đến yếu tố chất lượng của dòng tiền. 

Các đường MA ngắn hạn thường lấy các mốc phổ biến như 10, 20 ngày, trung hạn là 50 ngày và 100 hoặc 200 ngày đối với dài hạn. 

4 đường kỹ thuật chứng khoán được sử dụng nhiều nhất

Đường phân kỳ hội tụ trung bình động MACD

Trên biểu đồ chứng khoán, các đường EMA xoay quanh đường 0 và chúng có thể cắt nhau, phân kỳ hay hội tụ. Đường phân kỳ hội tụ trung bình động Moving Average Convergence Divergence có giá trị bằng đường trung bình động hàm mũ EMA 12 kỳ và đường EMA 26 kỳ. Do đó, MACD cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá chứng khoán.

Đường MACD có màu “xanh lam” và thường đi cùng với đường EMA 9 ngày – “đường tín hiệu – signal line”. Nếu MACD nằm ở trên đường tín hiệu thì phân kỳ dương xuất hiện, giá đang vận động theo xu hướng tích cực. Ngược lại, nếu MACD nằm ở dưới, phân kỳ âm xuất hiện, xu hướng vận động của giá ở trạng thái tiêu cực.

4 đường kỹ thuật chứng khoán được sử dụng nhiều nhất

Bollinger bands

Bollinger bands – dải Bollinger là đường kỹ thuật chứng khoán được phát hiện bởi nhà đầu tư người Mỹ John Bollinger giúp tìm ra các tín hiệu quá bán hoặc quá mua. Bollinger Band có thể được thể hiện bằng năm đường. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, người dùng có thể chỉ cần sử dụng một đường trung bình động đơn giản SMA và hai độ lệch chuẩn dải trên và dải dưới (tích cực và tiêu cực). 

Khi dải trên và dưới xích lại gần nhau, đường SMA co lại và tạo ra hiện tượng siết chặt (squeeze). Điều này cho biết chứng khoán đang biến động thấp và được coi là một dấu hiệu của khả năng gia tăng trong tương lai, mang đến các cơ hội giao dịch. Ngược lại, nếu hai dải cách xa nhau thì khả năng biến động sẽ giảm và khả năng cao đó sẽ là thời điểm để  thoát khỏi giao dịch. 

4 đường kỹ thuật chứng khoán được sử dụng nhiều nhất

Ngoài sự siết chặt, nhiều trader cũng quan tâm tới điểm đột phá. Khoảng 90% hoạt động giá xảy ra giữa hai dải. Bất kỳ điểm đột phá trên hay dưới các dải đều là một sự kiện lớn. Tuy nhiên, điểm đột phá không phải là một tín hiệu giao dịch. Nó không cung cấp manh mối về hướng đi và mức độ của sự di chuyển giá trong tương lai.

Chỉ số sức mạnh tương đối RSI 

Relative Strength Index – RSI là phát hiện của J.Welles Wilder vào năm 1978 và xuất hiện trong cuốn sách “New Concepts in Technical Trading Systems”. Đường kỹ thuật chứng khoán này là một bộ dao động động lượng đo lường mức độ thay đổi giá của những giao dịch gần nhất. RSI thường được dùng để đánh giá việc mua hoặc bán quá mức ở một mức giá của cổ phiếu hoặc các tài sản tài chính khác.

4 đường kỹ thuật chứng khoán được sử dụng nhiều nhất

Để tính RSI, nhà đầu tư tính thực hiện phép chia trung bình giá tăng cho trung bình giá giảm trong khoảng thời gian cụ thể và biểu diễn trên thang điểm được đặt từ 0 – 100. Nếu RSI > 70 được coi là nằm trong vùng quá mua (giá tài sản gần chạm đỉnh), RSI < 30 thì nằm trong vùng quá bán (giá tài sản gần chạm đáy). Nếu RSI ở giữa khoảng 30 – 70 thì nằm trong vùng trung tính.

Trên đây là các đường kỹ thuật chứng khoán phổ biến, thường được các trader, nhà đầu tư chứng khoán sử dụng. Chúng không quá khó để hiểu nhưng cũng không hề đơn giản cho người mới bắt đầu. Vì vậy, với những nhà đầu tư mới, tốt nhất bạn nên lựa chọn một tư vấn viên, chuyên viên môi giới để được tư vấn, hướng dẫn đầu tư một cách an toàn và hiệu quả.

TKSIC

Địa chỉ: Lầu 10 – Toà nhà MB Sunny Tower, 259 Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Q.1

Hotline: 08 3656 3656

Email: info@tksic.vn

 Website: tksic.vn