Ai chắp nối cho “liên quân” Itochu, C.P đến với CITIC?

 Ngày 20/1/2015, Itochu Corp., tập đoàn kinh doanh tổng hợp lớn thứ 3 Nhật Bản (chỉ sau Mitsubishi và Mitsui) cùng Charoen Pokphand Group Co. (CP Group), tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan và CITIC, công ty con của CITIC Group, một trong số những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược tay ba. Nói chính xác hơn là giữa “liên quân” Itochu - CP với CITIC. 

Ai chắp nối cho “liên quân” Itochu, C.P đến với CITIC?

Theo đó, Itochu - CP cùng góp tổng cộng 1.200 tỷ yên (10,13 tỷ USD) để mua lại 20,61% cổ phần của CITIC và trở thành đối tác chiến lược của CITIC.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý (dự kiến vào tháng 10/2015), đây sẽ là thương vụ đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay vào một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Báo chí quốc tế đã bình luận khá nhiều về thương vụ này. Không chỉ có giá trị khá cao về vốn đầu tư, hoặc xét thuần tuý về mặt tài chính, thương mại, mà thương vụ xuyên quốc gia này còn chuyển tải một số thông điệp ít nhiều mang màu sắc chính trị.

Trước hết, thương vụ giữa 2 doanh nghiệp (DN) lớn của Trung Quốc và Nhật Bản cũng góp phần làm dịu bầu không khí chính trị căng thẳng giữa chính phủ hai nước và cải thiện tình hình kinh doanh, đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc.

Với Itochu, đây cũng là dự án đầu tư lớn nhất vào 1 DN nước ngoài. Tính đến nay, khoản đầu tư trị giá 156,9 tỷ yên (hơn 1,3 tỷ USD) mua lại 2 công ty con của Tập đoàn Dole Foods (Mỹ) vào năm 2013 là có quy mô lớn nhất của Itochu. Itochu chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực may mặc, lương thực, thực phẩm, logistics và khai khoáng.

Có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK Hồng Kông, CITIC là công ty con của CITIC Group (hiện nắm 76% cổ phần của CITIC). Là tên rút gọn từ tiếng Anh China International Trust and Investment Corp., CITIC được Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1979. CITIC Group hiện đi tiên phong trong việc tư nhân hóa DN nhà nước của Trung Quốc và muốn đa dạng hoá hình thức sở hữu, mở rộng lĩnh vực hoạt động. Còn C.P của tỷ phú Dhanin Chearavanont là tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Thái Lan và hoạt động cả trong lĩnh vực bán lẻ lẫn viễn thông, thì việc bắt tay với CITIC cũng có nghĩa là có cơ hội tiếp cận tốt hơn với thị trường rộng lớn hơn 1,3 tỷ dân này.

Điều thú vị ở đây là, cả Itochu lẫn C.P đều là những nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi tại Việt Nam. Itochu hiện sở hữu 3% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và hợp tác với nhiều DN dệt may Việt Nam. Còn Công ty C.P Việt Nam (100% vốn đầu tư của C.P) hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại nhiều địa phương.

Trở lại với thương vụ nổi đình đám giữa 3 đối tác Thái, Trung và Nhật. Một số nhà phân tích nhận xét, ông Chang Zhenming, 59 tuổi, Chủ tịch CITIC có lẽ là nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong thương vụ này. Có một số lý do xác đáng ủng hộ nhận định trên. Ông Chang Zhenming nói tiếng Nhật rất giỏi, lại am hiểu văn hoá Nhật và có kinh nghiệm làm ăn với DN Nhật.

Cụ thể, sau khi học tiếng Nhật và văn hoá Nhật (1979 - 1983) tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, ông có 2 năm (1984 - 1985) làm việc cho Công ty Chứng khoán Daiwa Securities tại Nhật Bản. Ông có bằng Thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học New York (Mỹ). Nhờ giỏi tiếng Anh, ông đã từng là Trưởng văn phòng đại diện của CITIC tại New York từ năm 1989 đến năm 1992. Từ năm 2006 đến nay, ông là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch CITIC.

Ông Chang Zhenming phát biểu: “Chúng tôi hy vọng, thương vụ này sẽ giúp CITIC mở rộng địa bàn đầu tư, kinh doanh tại nhiều lĩnh vực và thị trường khác nhau (mà Itochu và C.P Group có sự hiện diện). Đương nhiên, cả ba đều có cơ hội bổ sung cho nhau rất nhiều lợi thế. Hơn thế nữa, thương vụ đã chỉ rõ rằng, các nỗ lực cải tổ và chiến lược toàn cầu hoá của CITIC đã gặt hái những kết quả đầu tiên đầy hứa hẹn”.

Song ở đây có lẽ cũng không nên bỏ qua vai trò tư vấn của ông Uichiro Niwa, nguyên CEO của Itochu (từ năm1998 đến 2004) và là Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc từ năm 2010 đến 2012.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán