Bị tố repo vượt thẩm quyền, Nguyên Tổng giám đốc LVS hầu tòa

 Ngày 25/9, dự kiến, TAND TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra ở CTCK LVS.

Bị tố repo vượt thẩm quyền, Nguyên Tổng giám đốc LVS hầu tòa

Theo đó, ông Hoàng Xuân Quyến (SN 1963, trú tại số 19, ngách 23/13 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc LVS đã bị Viện KSND TP. Hà Nội truy tố về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Repo vượt thẩm quyền?

Được biết, vào tháng 3/2012, LVS đã có đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Quyến và một số lãnh đạo khác có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại số tiền hơn 38 tỷ đồng (cả gốc và lãi). Sau quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hoàng Xuân Quyến vào tháng 5/2012.

Cơ quan điều tra xác định LVS được thành lập năm 2009 và có 1,38% (khoảng 1,7 tỷ đồng) vốn Nhà nước. Tháng 6/2010, Hoàng Xuân Quyến được HĐQT LVS bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Theo quy định tại Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền thì ông Quyến chỉ được ký hợp đồng repo cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng TMCP Liên Việt (Liên Việt PostBank) với hạn mức đến 10 tỷ đồng. Với các giao dịch trên 10 tỷ đồng, phải báo cáo Chủ tịch HĐQT Công ty trước khi thực hiện.

Ông Quyến cũng chỉ được ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các hợp đồng được ĐHCĐ, HĐQT phê duyệt.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2011, Hoàng Xuân Quyến ký các hợp đồng repo 3 triệu cổ phiếu của CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec Group) với giá 10.000 - 12.500 đồng/CP, lãi suất 19%/năm. Tổng giá trị các thương vụ này hơn 38 tỷ đồng.

Khi hợp đồng đáo hạn, giá cổ phiếu giảm mạnh, các khách hàng không có khả năng trả tiền cho LVS nên đã bỏ lại không tất toán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu Cotec, dẫn đến thiệt hại cho Công ty.

Cụ thể, tháng 1/2011, do có nhu cầu repo, bà Trần Thị Huệ (SN 1975, trú tại Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) đã đến LVS để ký hợp đồng hợp tác kinh doanh 1 triệu cổ phiếu Cotec.

Sau khi phân tích, đánh giá, Hoàng Xuân Quyến đại diện LVS ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với bà Huệ, đầu tư 1 triệu cổ phiếu Cotec, giá trị 10 tỷ đồng, thời hạn 4 tháng, lãi suất 20%.

Một thương vụ khác tương tự được thực hiện với Nguyễn Hoàng Bách (SN 1983, trú tại số 9 ngõ Bà Triệu, Hà Nội), repo 2 triệu cổ phiếu Cotec. Do thời điểm ký hợp đồng, Bách không có mặt tại Hà Nội nên đã nhờ 2 cá nhân khác đứng tên hộ.

Thương vụ này được tách ra làm 2 hợp đồng, ký cùng ngày 15/2/2011, mỗi hợp đồng repo 1 triệu cổ phiếu Cotec, giá trị lần lượt là 10 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng, thời hạn 3 tháng, lãi suất lần lượt là 19,2%/năm và 19%/năm.

Tiền đâu để repo?

Tổng giá trị của 3 hợp đồng trên là 32,5 tỷ đồng. Để có tiền thực hiện repo, Hoàng Xuân Quyến đã ký 2 hợp đồng vay 90 tỷ đồng của Ngân hàng TP. Tài sản bảo đảm là 730.000 trái phiếu chuyển đổi của Liên Việt PostBank, trị giá 73 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời điểm đó, LVS chỉ có 402.621 trái phiếu Liên Việt Post Bank để cầm cố cho Ngân hàng TP. Số trái phiếu Liên Việt Post Bank còn lại đã dùng để bảo đảm cho các khoản vay của LVS tại CTCK Thiên Việt và CTCK Beta.

Do giá trị cổ phiếu Cotec giảm mạnh nên khi hợp đồng đáo hạn, nhà đầu tư không trả nợ mà bỏ lại 3 triệu cổ phiếu Cotec. Theo các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thì LVS trở thành chủ sở hữu số cổ phiếu này.

Vào tháng 1/2014 vừa qua, LVS đã tổ chức bán đấu giá 3 triệu cổ phiếu này, nhưng qua 5 phiên đấu giá đều không có ai mua. Do Cotec Group chưa niêm yết nên cũng không thể thực hiện giám định để định giá lượng cổ phiếu này.

Đến tháng 3/2014, LVS đã có văn bản xác định giá 1 cổ phiếu Cotec là 5.000 đồng (căn cứ vào mức giá mà Cotec đề nghị mua lại) và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề xuất mức giá trên, không thắc mắc, khiếu kiện gì sau này.

Do đó, cơ quan công tố xác định 3 triệu cổ phiếu Cotec mà LVS đang nắm giữ trị giá 15 tỷ đồng và xác định khoản thiệt hại mà Hoàng Xuân Quyến gây ra cho LVS là 23 tỷ đồng.

Với hành vi này, Hoàng Xuân Quyến bị truy tố vì tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3 Điều 282 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù giam.

Được biết, bào chữa cho Hoàng Xuân Quyến ở giai đoạn sơ thẩm là Luật sư Vũ Đình Luân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thành Luân. Theo quan điểm của Luật sư Vũ Đình Luân, cả 3 hợp đồng repo cổ phiếu Cotec đều được thể hiện trong sổ sách kế toán, các báo cáo hàng tuần, tháng… Việc làm của Hoàng Xuân Quyến không có tính chất giấu giếm, tư lợi.

Luật sư cũng cho rằng, tại thời điểm xảy ra giao dịch repo, ủy quyền của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Ngọc Huy đang có hiệu lực và ủy quyền này chỉ ràng buộc Tổng giám đốc được ký các hợp đồng theo hạn mức phân cấp chung chung, mà không quy định phạm vi các hợp đồng được ký kết. Do đó, Luật sư Luân cũng cho rằng, Hoàng Xuân Quyến không phạm tội lạm quyền.

Hoàng Duy

{fcomment}