Các chuyên gia nhận định ca nhiễm biến chủng Omicron phát hiện tại Việt Nam không đáng lo ngại vì được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Ngày 28/12, Bộ Y tế phát đi thông tin chính thức về ca bệnh Covid-19 nhiễm biến chủng Omiron tại Việt Nam. Trường hợp này là hành khách trở về từ Anh, cách ly ngay sau khi nhập cảnh Sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Như vậy, sau hơn 30 ngày kể từ thời điểm B.1.1.529 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên Omicron và xếp vào nhóm "đáng lo ngại", Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm đầu tiên.
Trên bản đồ cung cấp dữ liệu về kết quả giải trình tự gene và vị trí địa lý các biến chủng của SARS-CoV-2 đang lưu hành trên thế giới đã đánh dấu Omicron xuất hiện tại Hà Nội.
Hai tình huống khi Omicron xuất hiện tại Việt Nam
Theo dữ liệu từ các báo cáo trên thế giới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, đánh giá nhìn chung, biến chủng Omicron có tỷ lệ lây lan nhanh và cao hơn gấp 5 lần so với Delta.
Tuy nhiên, tín hiệu có thể lạc quan hơn là tỷ lệ gây bệnh nặng, tử vong của Omicron chưa cho thấy sự gia tăng. Như vậy, giả thuyết đặt ra là nếu Omicron có tốc độ lây lan nhanh gấp 5 lần so với Delta, nhưng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cũng thấp hơn 5 lần thì biến chủng này không đáng sợ hơn Delta.
Tuy nhiên, dữ liệu của các quốc gia xuất hiện biến chủng này cho thấy tỷ lệ gây bệnh nặng của Omicron chỉ giảm hơn khoảng 3 lần. Điều này có nghĩa là Omicron vẫn là biến chủng rất đáng lo ngại và nguy cơ gây bùng phát dịch rất cao nếu không kiểm soát tốt.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM.
Từ những căn cứ trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đưa ra 2 tình huống đối lập có thể xảy ra khi biến chủng Omicron xuất hiện và lây lan tại Việt Nam.
Tình huống thứ nhất là biến chủng xâm nhập nhưng không có giải pháp can thiệp sớm, số ca mắc sẽ tăng lên rất nhanh, rất cao, khi đó, số F0 chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng tương ứng.
Đặc biệt, nếu không chuẩn bị tốt, hệ thống y tế có thể quá tải, từ đó khiến ca tử vong ngày một tăng nhiều hơn. Quá tải bệnh viện là điều hầu hết quốc gia trên thế giới đều e ngại.
Hầu hết tỉnh, thành phố cả nước đang tập trung nhiều giải pháp để ứng phó đợt bùng phát do chủng Delta, tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng đạt tỷ lệ khả quan. Do đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, tình huống thứ 2 là tình huống lạc quan hơn.
Nếu số ca nhiễm không tăng nhanh tự nhiên do thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch tích cực, tốc độ lây lan chỉ ở mức 2-3 lần. Trong khi người dân tuân thủ 5K kết hợp sự chuẩn bị tốt về hệ thống y tế, bệnh nhân nguy cơ cao và chuyển nặng được chăm sóc tốt hơn.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng sự lây lan của Omicron lúc này sẽ là tín hiệu tốt.
"Giả sử biến chủng mới lây lan gấp 3 lần thì thời gian có dịch cũng giảm đi tương ứng xuống 3 lần, hệ thống y tế không bị quá tải, mọi người vừa có miễn dịch của vaccine bên cạnh miễn dịch với Omicron. Lúc này, biến chủng Omicron cũng không còn quá nguy hiểm", ông phân tích.
Từ việc phân tích 2 tình huống trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: "Omicron hiện tại vẫn là biến chủng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị tốt và tự tin ứng phó đúng cách thì dù đợt dịch mới bùng phát cũng không quá nguy hiểm, thậm chí, thời gian trở về bình thường cũng có thể nhanh hơn".
Cảnh giác nguồn lây từ người nhập cảnh trái phép
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng ở Mỹ, hiện công tác tại Bệnh viện 1A (TP.HCM), nhận định rằng với ca nhiễm biến chủng Omicron phát hiện tại Việt Nam, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất thấp vì đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
"Tại các nước trên thế giới, Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh nhưng khả năng gây bệnh nặng và tử vong không cao hơn so với Delta. Do đó, tinh thần của chúng ta vẫn là tập trung ứng phó, không có gì hoảng hốt bởi việc Omicron xâm nhập đến Việt Nam chỉ là vấn đề sớm muộn", bác sĩ Calvin Q Trịnh nói.
Hành khách quốc tế được xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay và sau khi nhập cảnh. Ảnh: Việt Linh.
Ông cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần tập trung kiểm soát nguồn nhập cảnh trái phép, bởi đây là mối nguy cơ khiến Omicron xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng thời điểm hiện tại, việc ngăn chặn tuyệt đối biến chủng mới xâm nhập là không thể.
"Biến chủng chắc chắn sẽ xuất hiện thêm, vấn đề của chúng ta là làm cho sự xâm nhập này chậm hơn. Các địa phương cũng cần xây dựng phương tiện chẩn đoán Omicron để phát hiện sớm biến chủng", ông nói.
Vấn đề cấp bách cần làm
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nhận định việc Omicron xuất hiện tại Việt Nam là tất yếu của việc mở cửa giao thương quốc tế.
"Chúng ta phải chấp nhận và tìm giải pháp ứng phó, thay vì hoảng hốt hay lo lắng", bác sĩ Tuấn chia sẻ với Zing.
Chuyên gia cho rằng vấn đề của Việt Nam hiện tại là tiếp tục tăng tốc độ phủ nhanh vaccine phòng Covid-19 cho người dân, tiêm đủ 2 liều vaccine và bổ sung mũi 3 cho những người đến thời hạn.
"Đến thời điểm hiện tại, vaccine vẫn có tác dụng giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong, không những với biến chủng Delta mà cả với Omicron", ông nói.
Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh rằng Bộ Y tế và các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus điều trị Covid-19, chú trọng đến sản xuất trong nước để chủ động hơn về nguồn thuốc.
Đặc biệt, ý thức cho mỗi người dân, mỗi gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng lây nhiễm virus gây Covid-19. Những người trẻ, khỏe phải có ý thức phòng bệnh cho người già yếu để tránh lây nhiễm trong mỗi gia đình.
Du khách đổ về trung tâm TP Đà Lạt đón lễ Noel. Ảnh: Duy Hiệu.
"Với biến chủng Delta, chúng ta đã không ngăn được sự lây nhiễm thì với Omicron càng không thể ngăn chặn được. Vì vậy, số ca nhiễm hàng ngày sẽ không còn ý nghĩa nhiều. Với Omicron, chúng ta phải thay đổi quy định về các mức độ dịch để phù hợp với sự lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần Delta của nó", bác sĩ Tuấn nêu ý kiến.
Ông đề xuất với hệ thống y tế hiện tại, chúng ta cần tập trung điều trị, chăm sóc F0 trên 50 tuổi, có bệnh nền để giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Còn người trẻ tuổi, khỏe mạnh, không có bệnh nền, đã tiêm đủ vaccine thì nhiễm SARS-CoV-2 thì cho điều trị và tự cách ly tương tự bệnh cúm bởi khả năng chuyển nặng rất hiếm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Cộng cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng nhóm có nguy cơ gây quá tải bệnh viện là người cao tuổi, có bệnh nền chuyển biến nặng và cần được chăm sóc y tế thời gian dài. Nếu quá tải bệnh viện, chắc chắn phải tăng cấp độ dịch để điều chỉnh biện pháp ứng phó tương ứng.
"Cần tập trung ca bệnh Covid-19 nặng và chăm sóc có nguy cơ cao, còn lại F0 trẻ, khỏe, tiêm đủ vaccine thì hướng dẫn điều trị tại nhà, đừng lạm dụng thuốc và tránh lây lan. Với Covid-19 ở người khỏe mạnh, việc điều trị phù hợp thường sớm có kết quả âm tính trở lại", PGS Dũng nói.
Nguồn: https://zingnews.vn/bien-chung-omicron-xam-nhap-co-thay-doi-tinh-hinh-dich-o-viet-nam-post1286113.html
-
Bác đơn khởi kiện của sữa Danlait
-
Giá USD hôm nay tăng nhẹ, giá bán ra ở mức 23.270 VND/USD
-
Toyota Vios 2017 giá 390 triệu đồng sắp về Việt Nam
-
Thị trường bất động sản vẫn phát triển theo hướng mất cân đối
-
Vốn ngoại liệu có chảy vào ETF Việt Nam?
-
Công ty Luật My Way - Dịch vụ tư vấn pháp luật hàng đầu
-
Đối tượng tàng trữ ma túy cầm dao cố thủ, dọa chém cảnh sát
-
Nóng bỏng thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh sau 1/7
-
Giả danh VPBank gửi tin nhắn để lừa đảo khách hàng
-
Thị trường bất động sản sôi động những ngày cuối năm