Sau khi Australia, đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, khước từ tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, mọi con mắt hiện đổ dồn về phía một đồng minh lớn khác: Nhật Bản.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ hoạt động trên biển. Ảnh: US Navy |
Sau khi Mỹ hôm 27/10 điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Subi, nơi Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Biển Đông, một câu hỏi quan trọng lập tức được nêu ra đó là liệu các đồng minh và đối tác châu Á có theo chân Washington thực hiện những động thái tương tự để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, theo trang phân tích Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia.
Chuyên gia dự đoán Mỹ nhất định sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Australia và Nhật Bản, những đồng minh thân cận nhất của họ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Canberra hôm 29/10 thông báo không có kế hoạch tuần tra chung với Washington, đồng thời vẫn sẽ tiếp tục cuộc tập trận với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Mọi ánh mắt lúc này chăm chú quan sát Nhật Bản, bởi sự tham gia của Tokyo được coi như một yếu tố giúp thay đổi đáng kể cục diện chiến lược trên Biển Đông. Nhiều chính trị gia cấp cao cùng lãnh đạo quân sự Nhật Bản gần đây thường xuyên đề cập tới lựa chọn này.
Ông Gen Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hồi tháng một nhắc tới khả năng trong tương lai gần Tokyo sẽ điều tàu phối hợp cùng Washington tiến hành các cuộc tuần tra khu vực.
Ý tứ trên được Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), nhắc lại hồi tháng 6. Ông nhận định hành vi xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã gây ra "một mối lo ngại tiềm tàng rất nghiêm trọng" đối với Nhật Bản.
Hơn nữa, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines hay Indonesia cũng ngày càng trở nên khăng khít hơn. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) 5 tháng trước tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung cùng Philippines như một cách để thể hiện tình đoàn kết.
Nhật Bản còn thực hiện nhiều biện pháp để củng cố quan hệ quốc phòng với hai đồng minh của Mỹ là Australia và Ấn Độ. Các quốc gia này đều đang tìm cách để đối phó với những động thái quân sự liên tục gia tăng của Trung Quốc với mức độ khác nhau.
Tất cả các diễn biến kể trên đều đem đến một cảm nhận chung rằng Nhật Bản dường như sẽ tham gia tích cực, đồng thời thể hiện một vai trò lớn hơn trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở Đông Nam Á.
Chiến hạm thuộc hải quân Mỹ cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tháng 11 năm ngoái tham gia cuộc tập trận chung Keen Sword trên vùng biển phía nam Nhật Bản. Ảnh: US Navy |
Cơ hội ít ỏi
Song, theo ông Benjamin Schreer, giáo sư về chiến lược và an ninh tại Đại học Macquarie, Australia, Tokyo thực sự chưa có ý định triển khai các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông cùng Mỹ bởi nhiều lý do.
Trong nước, mục tiêu xây dựng một chiến lược và chính sách quốc phòng cứng rắn hơn của chính quyền Thủ tướng Abe hiện phải đối mặt với không ít hoài nghi. Chính ông Abe cũng thừa nhận bản dự luật phòng thủ tập thể, được thông qua tháng trước, mở đường cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài, không nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Do đó, quyết định điều tàu tuần tra trên Biển Đông ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ bị truyền thông, cử tri, các đảng đối lập hay thậm chí cả đối tác liên minh của ông Abe cự tuyệt.
Mặt khác, hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới lợi ích của Nhật Bản trong quá trình cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo phát sinh từ những tranh chấp đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông thời gian gần đây đang có chiều hướng lắng dịu. Từ quan điểm của giới lãnh đạo Nhật Bản, khiêu khích Trung Quốc vào lúc này là không cần thiết.
Theo Yuichi Hosoyam, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Keio, Nhật Bản, đề nghị khả thi nhất mà Washington có thể đưa ra là thúc giục Tokyo triển khai các hoạt động tình báo, theo dõi và trinh sát trên Biển Đông. Nhưng "điều này cũng khó có khả năng xảy ra", ông Hosoyam nhận xét. "Thay vào đó, Nhật Bản sẽ chỉ giúp đỡ trong việc cải thiện khả năng của lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Đông Nam Á".
Sau cùng, Nhật Bản không phải là bên liên quan trực tiếp tới các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Nếu Tokyo cử tàu tới tuần tra, Bắc Kinh sẽ phản ứng một cách quyết liệt, từ đó làm sụp đổ những tiến bộ mà đôi bên đã đạt được từ sau cú bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo tháng 11 năm ngoái.
Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là bảo vệ chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc ở Hoa Đông. "Năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu vừa bảo vệ đảo vừa tham gia FONOPS", ông Schreer bình luận.
Nguồn Vnexpress
-
Những “ghế nóng” nhà băng đổi chủ sau 3 năm tái cơ cấu
-
Nhiều rủi ro khi đổ tiền vào đất nền vùng ven
-
Hội nghị thượng đỉnh G7 và những bước tiến khiêm tốn
-
Choáng với sản phụ có khối u gan nặng 3kg hiếm gặp trên thế giới
-
Những cặp đôi lệch nhau hơn 20 tuổi trong showbiz Việt
-
Thủ tướng chủ trì Phiên họp chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra số lượng lớn tôm hùm đất vẫn được bày bán
-
Thông xe cầu vượt “khủng” nhất Hà Nội
-
Bitcoin đầu năm, một tuần biến động khó lường
-
Giá vàng SJC giảm dè dặt theo thế giới