Những nhà đầu tư đặt niềm tin vào GoTo, Bukalapak và Grab đang phải đối mặt với hiện thực u ám, khi các doanh nghiệp này bốc hơi 51 tỷ USD vốn hóa từ khi lên sàn chứng khoán.
Theo trang tin Bloomberg, ngoài việc phải chứng kiến hàng chục tỷ USD vốn hóa bốc hơi, các kỳ lân công nghệ này còn phải đối mặt với những hoài nghi về khả năng hoạt động và sinh lời của công ty.
Được biết, GoTo - tập đoàn hình thành từ vụ sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia - là doanh nghiệp có thương vụ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất năm nay, còn Bukalapak thì đã lên sàn năm 2021 và có một năm ổn định. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu từ hai cái tên sáng giá của công nghệ Indonesia đã lần lượt giảm 74% và 69% so với ngày đầu lên sàn.
Còn Grab Holdings - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore - thì có giá cổ phiếu giảm khoảng 65% kể từ khi niêm yết.
Trước đó, ở thời điểm Grab Holdings sáp nhập với tập đoàn Altimeter Growth, doanh nghiệp này được đánh giá là startup có giá trị cao nhất tại Đông Nam Á. Grab đã thu hút được hơn 4 tỷ USD tiền từ các nhà đầu tư lớn của thế giới bao gồm BlackRock, Fidelity International hay T.Rowe Price Group.
Tuy nhiên, tổng giá trị vốn hóa của Grab hiện tại chỉ vào khoảng 11,6 tỷ USD. Dù cổ phiếu này đã hồi phục lại phần nào kể từ khi hãng thông báo doanh thu quý III cao vượt kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc khi nào Grab có thể có lợi nhuận.
Trên thực tế, ba kỳ lân Grab, GoTo và Bukalapak đã giúp cho nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của Đông Nam Á. Tuy nhiên việc lãi suất tăng cao trên toàn cầu và rủi ro suy thoái kinh tế lại tạo ra quá nhiều sức ép lên các cổ phiếu công nghệ nói riêng và cả thị trường chứng khoán nói chung.
Hiện có những lo ngại về việc nhiều nhà đầu tư sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau khi thời gian hạn chế bán ban đầu kết thúc, và điều này đã từng xảy ra với một số doanh nghiệp tại Ấn Độ. Tháng vừa rồi, chính GoTo cũng đã mất khoảng 60% giá trị thị trường khi thời gian hạn chế kết thúc và nhà đầu tư băn khoăn về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Mới đây, GoTo đã phải khẳng định họ vẫn có đủ nguồn vốn để duy trì hoạt động cho tới khi có lãi. Còn Sea - một kỳ lân công nghệ khác của Singapore niêm yết tại Mỹ từ năm 2017 - đã mất khoảng 169 tỷ USD từ khi đạt đỉnh hồi tháng 10/2021.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mới tại Đông Nam Á gần đây cũng chứng kiến tình trạng sụt giảm giá trị nghiêm trọng khi nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về định giá quá cao của họ.
Nguồn: zingnews.vn
-
Lần đầu ngồi xe điện VN Electric Car tham quan Sapa cảm giác như thế nào?
-
Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc đất nền hồi sinh
-
Giá vàng tiếp tục tăng, USD giảm nhẹ
-
'Kiệu đen Paparinka' - món lạ vùng Tam Nông
-
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hôm nay 4/5?
-
Giá vàng giảm sâu, thị trường liên tục giằng co
-
'Tháo kíp' hai trái lựu đạn mẹ chồng - nàng dâu
-
Chứng khoán rơi 22 điểm phiên đầu tuần
-
Bất động sản cao cấp: Không gian xanh ghi điểm
-
Ngắm những chiếc xe 'chất lừ' của Lady Gaga