Cải cách thủ tục thuế và hải quan, tác động kép đến doanh nghiệp

 “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Ngoài những lợi ích có được từ quá trình này, doanh nghiệp cần dự liệu phương án thay đổi trong tuân thủ nghĩa vụ thuế để tránh bị ảnh hưởng bất lợi…”, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam trao đổi với ĐTCK.

Cải cách thủ tục thuế và hải quan, tác động kép đến doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa đưa ra mục tiêu giảm số giờ thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế xuống khoảng 300 giờ từ hơn 800 giờ hiện tại. Ông đánh giá thế nào về kế hoạch này?

Thực hiện Nghị quyết 19/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1553/QĐ-BTC, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí hành chính…, phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

Tuy hệ thống chính sách quản lý thuế, hải quan đã có những chuyển đổi mạnh mẽ trong vài năm gần đây, nhưng quy trình và thủ tục kê khai nộp thuế, phí nội địa và hải quan vẫn cần đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Theo số liệu thống kê, thời gian để người nộp thuế hoàn tất các thủ tục về kê khai, nộp thuế trong một năm lên tới 872 giờ; thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu trung bình là 21 ngày.

Những chỉ số này là rất cao so với các nước tiên tiến trong khu vực, cũng như các nước đang là đối thủ cạnh tranh chính với Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài: Trung Quốc, Indonesia, Campuchia... Bộ Tài chính đặt mục tiêu sẽ giảm số giờ thực hiện các TTHC thuế xuống khoảng 300 giờ, giảm số ngày thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu xuống trung bình lần lượt là 14 ngày và 13 ngày.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ các giải pháp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung các chính sách phù hợp để đạt mục tiêu này.

Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính đã bước đầu được cụ thể hóa, thông qua cuộc họp lấy ý kiến đóng góp từ các hiệp hội, tổ chức, đại diện doanh nghiệp trong tuần qua và nhận được ý kiến đồng thuận cao. Bởi vậy, mục tiêu cải cách TTHC thuế, hải quan mà Bộ Tài chính đặt ra là khả thi.

Thời gian DN thực hiện
các thủ tục xuất, nhập khẩu trung bình là 21 ngày

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ kết quả cải cách TTHC thuế, hải quan. Tuy nhiên, việc cải cách này cũng sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cả về chính sách, lẫn quy trình tuân thủ nghĩa vụ thuế. Để tránh tác động bất lợi của sự biến động này, theo ông doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

Kế hoạch và mục tiêu cải cách TTHC của Bộ Tài chính sẽ mang đến những đột phá trong công tác quản lý thuế, hải quan, qua đó mang lại lợi ích cho người nộp thuế, vì giảm thiểu thời gian thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, người nộp thuế cần nhận biết và đối diện với những thách thức do quá trình thay đổi chính sách quản lý, kiểm soát các công việc liên quan đến kê khai thuế và hải quan.

Cụ thể, nếu giảm thiểu số lần kê khai thuế, bên cạnh việc thường xuyên cập nhật các chính sách, quy định quản lý và nghiệp vụ mới, người nộp thuế sẽ phải cơ cấu lại công tác kiểm soát, lưu trữ chứng từ kế toán cho mục đích kê khai thuế, để khi cơ quan thuế, hải quan vào kiểm tra có thể vẫn đáp ứng yêu cầu đối chiếu và được chấp thuận, tránh bị mất đi quyền khấu trừ, hoàn thuế, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế do hồ sơ chứng từ không hợp lệ.

Người nộp thuế cũng cần có thói quen định kỳ rà soát lại công tác tuân thủ về thuế, để phát hiện các sai sót có thể phát sinh và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, người nộp thuế có quyền thực hiện các điều chỉnh liên quan đến nghĩa vụ thuế, cũng như hồ sơ chứng từ phát sinh kèm theo trước khi cơ quan thuế, hải quan thực hiện thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra, thì việc phạt số thuế kê khai thiếu và chậm nộp với tỷ lệ cao sẽ là gánh nặng cho người nộp thuế.

Gắn liền với cải cách TTHC, ngành thuế, hải quan đã và đang tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, nhằm mạnh tay xử lý các hành vi gian lận thuế. Để giảm thiểu rủi ro bị xử phạt, theo ông, doanh nghiệp cần chú ý những gì?

Năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 60.273 doanh nghiệp, truy thu và phạt thuế hơn 13.186 tỷ đồng; ngành hải quan thực hiện 2.430 cuộc kiểm tra sau thông quan, truy thu 1.400 tỷ đồng... Năm 2014, cũng như những năm tới, hoạt động thanh tra, kiểm tra của cả cơ quan thuế và hải quan sẽ được tăng cường.

Công tác thanh tra thuế, kiểm tra sau thông quan đang dần trở thành công cụ trợ giúp đắc lực để cơ quan thuế, hải quan bổ sung tăng nguồn thu cho ngân sách. Với việc cải cách mạnh mẽ TTHC, thời gian làm việc giữa cơ quan quản lý và người nộp thuế sẽ giảm. Khi đó, người nộp thuế sẽ có ít cơ hội để cập nhật, sửa đổi hồ sơ thuế, dẫn đến có thể phát sinh sai sót nhiều hơn.

Trong khi đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý sai phạm. Do đó, đối với các doanh nghiệp, phải thường xuyên rà soát hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán thuế và thực hiện đúng những yêu cầu về tuân thủ, thì việc cơ quan thuế và hải quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, sẽ không phải là lo ngại lớn.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện sâu sát những công việc này thường xuyên, nên sẽ dẫn tới những rủi ro bị truy thu và phạt thuế nặng, đặc biệt là các doanh nghiệp được đánh giá phân loại theo các tiêu thức là doanh nghiệp có rủi ro trong quản lý thuế và hải quan.

Hữu Hò

{fcomment}