CEO Stuart Gulliver lạc quan về HSBC

 Bất chấp tình hình kinh doanh kém hiệu quả nửa đầu năm 2014 với con số lợi nhuận trước thuế giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái của hệ thống ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC Holdings Plc, Giám đốc điều hành Stuart Gulliver vẫn tỏ thái độ lạc quan vào triển vọng năm 2015 khi cho rằng, yếu tố tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy doanh thu của Tập đoàn.

CEO Stuart Gulliver lạc quan về HSBC

Theo số liệu do Bloomberg công bố hôm qua, lợi nhuận của HSBC giảm 12% trong nửa đầu năm 2014, từ 14,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2013 xuống 12,3 tỷ USD, được xem là cú giảm mạnh đầu tiên của tập đoàn này trong vòng 5 năm kể từ năm 2009.

Những thị trường cốt lõi của HSBC như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều chứng kiến kết quả doanh thu giảm vì lý do biến động thị trường. Đặc biệt, khu vực châu Á, nơi đóng góp hơn một nửa doanh thu của Tập đoàn, liên tục diễn biến theo chiều hướng xấu.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận ở khu vực châu Á chứng kiến mức giảm 14,8%, từ 9,262 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2013 xuống 7,894 tỷ USD. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận nhóm của thị trường châu Á giảm còn 64% từ mức 65,8% của nửa đầu năm 2013 và 77,6% nửa cuối năm 2013.

Bên cạnh đó, tiền phạt và những vụ khởi kiện tài chính cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của HSBC sụt giảm. Tổng chi phí từ các vụ khởi kiện và tiền phạt của 10 ngân hàng lớn nhất trên thế giới, trong đó có HSBC, là 157,43 tỷ bảng Anh (tương đương 264,86 tỷ USD) trong giai đoạn 2009 - 2013. Điển hình là trường hợp vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ về việc rửa tiền ở Mexico vào năm 2012, HSBC phải nộp phạt số tiền lên đến 1,9 tỷ USD.

Theo Stuart Gulliver, kể từ năm 2011, với 74 trụ sở trên thế giới, trung bình hàng năm, Tập đoàn chi hơn 800 triệu USD vào việc tuân thủ những luật lệ tài chính ở các quốc gia khác nhau.

Stuart Gulliver đề nghị những nhà hoạch định chính sách cần chấm dứt việc tạo áp lực lên đội ngũ quản lý ngân hàng, khiến họ cảm thấy lo sợ khi thực hiện những công việc như cho vay hoặc cung cấp các gói dịch vụ khác cho khách hàng.

Bất cứ động thái kiểm soát chặt chẽ nào cũng khiến khách hàng giàu có cảm thấy e ngại khi đi vay, trong khi khách hàng thương mại lại không thể đáp ứng đủ điều kiện để vay, dẫn đến bức tranh thương mại và đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, hơn 256.000 nhân viên HSBC toàn cầu đang phải làm việc dưới sức ép chưa từng thấy khi liên tục đương đầu với những quy tắc “ngày càng bị chia nhỏ và thường xuyên vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ” từ các nhà hoạch định chính sách tài chính.

Nếu như cách đây một vài năm, cùng với Standard Chartered, HSBC được xem là cánh chim đầu đàn trong việc thâm nhập vào các thị trường mới nổi và thâu tóm toàn bộ ngành ngân hàng tại đây, đem về những khoản lợi nhuận kếch xù, thì giờ đây, hai “ông lớn” đang tìm cách thu hẹp hoạt động để tránh những tổn thất không đáng có.

Cụ thể, Stuart Gulliver tiến hành bán hoặc đóng cửa ít nhất 74 ngành nghề kinh doanh kể từ năm 2011 cho đến nay, trong bối cảnh các quy định và chi phí không ngừng gia tăng. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm bằng cách lập kế hoạch cắt giảm chi phí xuống mức 3 tỷ USD vào năm 2016 và cắt giảm 41.000 việc làm.

Tìm ra giải pháp bù đắp tổn thất doanh thu cho HSBC là một trong những thách thức lớn nhất của Stuart Gulliver lúc này khi cạnh tranh trong ngành ngân hàng và sức ép từ cổ đông ngày một tăng.

Theo Gulliver, doanh thu của Tập đoàn sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm, khi lãi suất ở những thị trường cốt lõi của HSBC như Anh và Mỹ nhiều khả năng tăng lên trong quý IV/2014 và nửa đầu năm 2015. Sở dĩ Gulliver trở nên hào hứng với tín hiệu lãi suất tăng là vì HSBC sở hữu cơ sở tiền gửi lớn, bảng cân đối kế toán mạnh và thận trọng với rủi ro, Tập đoàn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các đối thủ.

Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Anh và sự chuyển mình của thị trường Trung Quốc vươn ra tầm quốc tế cũng là yếu tố giúp Stuart Gulliver đặt niềm tin vào tương lai của HSBC.

Hồng Tuyết(Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}