Châu Âu trừng phạt các ngân hàng bắt tay nhau thao túng thị trường

Ngân hàng bị phạt là Nomura của Nhật Bản (129,5 triệu euro), UBS của Thụy Sĩ (172,4 triệu euro) và UniCredit của Italy (69,4 triệu euro). Ảnh: todayuknews.com

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các ngân hàng bị phạt là Nomura của Nhật Bản (129,5 triệu euro), UBS của Thụy Sĩ (172,4 triệu euro) và UniCredit của Italy (69,4 triệu euro). Các ngân hàng Bank of America của Mỹ và French Natixis của Pháp thoát khỏi lệnh trừng phạt nhờ vào thời hạn đăng ký, trong khi ngân hàng Portigon (ex-WestLB) của Đức cũng không bị phạt vì không có doanh thu trong năm tài chính vừa qua. Ngân hàng Natwest của Anh (trước đây là RBS) cũng tránh được khoản tiền phạt 260 triệu euro vì đã báo cáo sự việc cho EC.

Sự việc diễn ra trong thời gian từ tháng 1/2007 đến tháng 11/2011 liên quan đến việc mua và bán trái phiếu chính phủ châu Âu (OEE) trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Trong thông cáo chung, Phó Chủ tịch EC, Margrethe Vestager, nhấn mạnh không thể chấp nhận được khi giữa cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều tổ chức tài chính phải giải cứu bằng nguồn quỹ đại chúng, thì các ngân hàng đầu tư này lại đi đến một thỏa thuận thao túng thị trường bằng chi phí của các nước thành viên.

Theo điều tra của EC, thỏa thuận hợp tác được thực hiện thông qua "một nhóm thương nhân" thường xuyên liên lạc với nhau, chủ yếu trong các "phòng trò chuyện" của các thiết bị đầu cuối của Bloomberg, nơi họ trao đổi thông tin nhạy cảm về mặt thương mại.

Trước đó, Brussels đã áp đặt tổng cộng 28 triệu euro tiền phạt vào cuối tháng 4 vừa qua đối với Crédit Suisse, Crédit Agricole và Bank of America Merrill Lynch vì đã đồng lõa trên thị trường trái phiếu siêu chủ quyền, chủ quyền và SSA. Deutsche Bank đã được tha vì tiết lộ vụ việc này.

Vào tháng 5/2019, 5 ngân hàng đã bị phạt hơn một tỷ euro vì hai thỏa thuận giữa các công ty môi giới của họ về giao dịch ngoại hối trong cuộc khủng hoảng tài chính, từ tháng 12/2007 đến tháng 1/2013. Thỏa thuận thứ nhất liên quan đến 2 ngân hàng của Anh gồm Barclays và RBS, cùng với 2 ngân hàng của Mỹ là Citigroup và JPMorgan.

Thỏa thuận thứ hai liên quan đến các vi phạm trong giai đoạn từ tháng 12/2009 đến tháng 7/2012, một lần nữa dính líu đến Barclays, RBS và cả ngân hàng MUFG của Nhật Bản (trước đây là Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi).

Nguồn Tin Tức TTXVN