Chiêu lừa ngân hàng của nhóm doanh nhân trẻ

 Trong hai ngày 21 - 22/5, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo gần 40 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng SeABank.

Chiêu lừa ngân hàng của nhóm doanh nhân trẻ

Vụ án đã kéo dài từ năm 2009 tới nay với 1 lần hủy án, nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và hoãn phiên tòa. Bị cáo trong vụ án đều là các doanh nhân, nhân viên ngân hàng, gồm Đào Hữu Tình (SN 1978, trú tại Võ Cường, Bắc Ninh); Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1977, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội); Lê Tuấn Phương (SN 1979, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội); Trần Thị Thu Hằng (SN 1982, trú tại Nam Định); Nguyễn Văn Hợi (SN 1948, trú tại Phủ Lý, Hà Nam).

Theo hồ sơ vụ án, Đào Hữu Tình là Giám đốc Công ty TNHH Ban Mai (Bắc Ninh) và Công ty Thương mại Quốc tế Ban Mai (Hà Nội) - chuyên kinh doanh thức ăn gia súc. Đầu năm 2006, Tình biết ông Hà Văn Nga, là Giám đốc Công ty TNHH Viễn Đông (Công ty Viễn Đông) có trụ sở tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đang có nhu cầu bán lại công ty.

Muốn mua Công ty Viễn Đông nhưng do không có tiền, Tình đã thỏa thuận với ông Nga mua Công ty Viễn Đông với giá 75 tỷ đồng kèm theo điều kiện phải cho Tình mượn tư cách pháp nhân của công ty này nhằm mục đích vay tiền ngân hàng để trả.

Ngày 30/12/2006, ông Hà Văn Nga đã ký quyết định bổ nhiệm Đào Hữu Tình làm Tổng giám đốc Công ty Viễn Đông. Trong thời gian này, Tình quen biết với Nguyễn Thị Thúy Hằng và rủ Hằng cùng tham gia mua Công ty.

Để vay được tiền ngân hàng, Tình và Hằng đã cùng ông Nga lập các tài liệu giả mạo như: Biên bản họp HĐTV; hợp đồng giả mạo về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn của 4 thành viên góp vốn sở hữu của Công ty Viễn Đông là ông Phạm Văn Thanh, Hà Minh Châu, Bùi Văn Tuyến và Nguyễn Thiện Chí cho Tình và Hằng. Riêng ông Hà Văn Nga chuyển nhượng 50% vốn.

Chưa dừng ở đó, ông Hà Văn Nga, Đào Hữu Tình và Nguyễn Thị Thúy Hằng còn lập khống giấy xác nhận nguồn vốn thể hiện Tình đã chuyển 40 tỷ đồng, Hằng chuyển 35 tỷ đồng cho các thành viên đã chuyển nhượng cổ phần.

Tháng 3/2007, Tình với tư cách Tổng giám đốc Công ty Viễn Đông cùng với Hằng đến Hội sở SeABank nộp hồ sơ xin vay vốn đầu tư 3 dự án: Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm tại Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam); Khu nuôi trồng thủy sản tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Khu nuôi trồng thủy sản tại biển Hòn Mê (Thanh Hóa).

Đến tháng 6/2007, Đào Hữu Tình ký hợp đồng tín dụng với SeABank vay 100 tỷ đồng trong thời hạn 6 năm để đầu tư vào 3 dự án nói trên. Tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản đã hình thành và sẽ hình thành trong tương lai từ vốn vay của 3 dự án trên và 3 bất động sản ở Bắc Ninh và Hà Nội.

Trên thực tế, các cơ sở hạ tầng và các hạng mục này Công ty Viễn Đông đã thực hiện và hoạt động trước thời điểm Tình, Hằng dùng pháp nhân Viễn Đông vay vốn tại SeABank. Khi Ngân hàng tiến hành thẩm định pháp nhân, Tình, Hằng đã hợp thức hồ sơ đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của Ngân hàng là có tên trên giấy đăng ký kinh doanh.

Để đảm bảo điều kiện vốn đối ứng khi giải ngân theo yêu cầu của Ngân hàng, Tình và Hằng đã mua 92 hóa đơn VAT khống của 8 công ty ma tại Hải Phòng kèm theo 13 hợp đồng hợp thức có nội dung thể hiện thi công các hạng mục của Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm tại Đồng Văn với tổng giá trị hơn 104,8 tỷ đồng.

Khi Công ty Viễn Đông có đủ hồ sơ, Ngân hàng đã giải ngân 38,5 tỷ đồng vào tài khoản của 8 công ty ma trên theo yêu cầu của Hằng. Số tiền này sau đó được rút ra chuyển cho Tình, Hằng. Tình, Hằng đã sử dụng số tiền này để trả nợ, chi mua hóa đơn VAT và chiếm giữ cho cá nhân.

Đến nay, Công ty Viễn Đông đã trả được 9,8 tỷ đồng, còn nợ 28,6 tỷ đồng.

Trong vụ án này, để hỗ trợ cho Tình, Hằng lừa đảo được, một nhóm bị can đã tiếp tay, có hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Đồng thời, nhóm cán bộ bị điều tra, khởi tố, xét xử vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị cáo Lê Tuấn Phương, Trần Thị Thu Hằng đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nên không phát hiện việc làm gian dối dẫn đến hậu quả ngân hàng bị chiếm đoạt 38,5 tỷ đồng.

Với hành vi trên, Đào Hữu Tình bị tuyên phạt 13 năm tù giam, Nguyễn Thị Thúy Hằng bị tuyên phạt 13 năm tù giam, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 24 - 36 tháng án treo.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán