Chính sách cho người nước ngoài mua nhà: Nhìn người lại ngẫm đến ta

 Căn hộ ấy, cũng giống như bao căn hộ khác, nhìn ra dòng sông Châu Giang đẹp như tranh vẽ của TP. Quảng Châu sôi động. Một đất nước đông dân nhất thế giới, vì sao vẫn mở để cho người nước ngoài được mua nhà, đó là câu hỏi không phải cần chúng ta trả lời.

Chính sách cho người nước ngoài mua nhà: Nhìn người lại ngẫm đến ta

1 Năm 2006, tôi xin nghỉ phép, qua Quảng Châu và Tấn Giang ở thời gian khá dài. Bên đó, tôi có bà chị gái, đang làm Giám đốc cho một hãng thời trang có trụ sở chính tại Ba Lan. Công ty mẹ nhận các đơn hàng lớn từ các đối tác, có mẫu sẵn và đưa qua Trung Quốc để tìm vải tương tự, sau đó gia công. Các container quần áo hoàn thiện được chuyển về lại Ba Lan và xuất đi các nước Đông Âu.

Ông bà chủ là người làm ăn thành đạt, là cặp đôi đã từng học rất giỏi, đoạt giải Toán Lý quốc tế nhiều năm trước đây. Học xong, họ khởi nghiệp bằng việc buôn bán hàng may mặc và dần dần mở rộng công ty, mỗi ngày mỗi lớn.

Văn phòng đại diện của công ty thời trang ấy được đặt tại TP. Tấn Giang, Phúc Kiến, nhưng mỗi tuần, chị gái tôi thường phải đi máy bay hoặc xe đò có giường nằm để tới Quảng Châu mua vải. Ở Tấn Giang, ông bà chủ mua hai căn hộ rộng rãi, một căn để làm văn phòng, một căn để cho nhân viên từ Việt Nam qua quản lý có chỗ ở dài hạn. Còn ở Quảng Châu, thì chỉ mua một căn duy nhất, làm chỗ trú chân ngắn hạn. Mỗi năm, ông bà chủ bay tới Trung Quốc chừng vài ba lần, còn lại chủ yếu điều hành qua internet. Điều hay nhất, là cả 3 căn hộ ấy đều được đứng tên ông Tổng giám đốc - một người Việt quốc tịch Ba Lan.

Hai căn hộ ở Tấn Giang nằm trong một chung cư khá cũ kỹ, dù cho có trang bị thang máy đầy đủ. Hành lang tối, đèn điện lờ mờ, những cánh cửa mỗi căn hộ đều có 2 lớp, lớp ngoài bằng sắt và lớp trong bằng gỗ, đương nhiên đã cũ sì. Không có gì ấn tượng cả. Tôi chỉ đặc biệt nhớ về căn hộ nằm ở Quảng Châu, bên dòng sông Châu Giang thơ mộng.

Đó là tòa cao ốc vừa được xây mới, rất đẹp đẽ và sang trọng. Căn hộ rộng tới hơn 100 m2. Điều lý tưởng nhất là cách kiến trúc rất khoa học và hợp lý. Bất cứ căn hộ nào cũng có view nhìn ra sông Châu Giang.

Ở nơi đó, tối tối, những chiếc thuyền rồng lớn chở khách đi du ngoạn dọc sông trong tiếng nhạc réo rắt. Ánh đèn màu lộng lẫy hắt xuống dòng sông, khiến người ngắm cảnh ngỡ như đang ở chốn thần tiên nào đó, chứ không phải giữa Quảng Châu tấp nập những người là người. Nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi ấy, vị trí của các căn hộ trong tòa nhà thật sự có giá trị. Thời năm 2006, ông chủ đã mua căn hộ này với giá tương đương 3 tỷ đồng Việt Nam. Cũng là một khoản tiền không hề nhỏ ở thời điểm ấy.

2 Mỗi sáng thức giấc, tôi mở cánh cửa ra vào của chung cư, để ngắm hành lang đẹp đẽ trải dài. Không có ai qua lại ồn ã. Mỗi tối đi cùng chị gái mua đồ ở siêu thị, hay ra chợ sỉ mua vải về cho công ty, tôi thích thú khi được trải nghiệm cảm giác bước chân của mình đi tới đâu, thì đèn hành lang bật ánh sáng rất mạnh lên tới đó. Bình thường thì vẫn có bóng đèn cố định, với công suất nhỏ nhất để tiết kiệm điện năng.

Chị gái tôi kể, 2/3 những ông chủ, bà chủ của các căn hộ tại dự án này là người nước ngoài. Theo quy định, nếu người nước ngoài xin được visa định cư trong một năm trở lên, chứ không phải 60 ngày hay 90 ngày, thì sẽ có quyền mua nhà như người bản xứ. Và giá cả thì bằng nhau. Không tính thêm bất cứ phí gì phụ trội.

Trở về Việt Nam, tôi cứ suy nghĩ mãi, ở đất nước đông dân nhất thế giới ấy, sao họ lại có những chính sách mở vậy. Cho phép người nước ngoài có văn phòng đại diện, nghĩa là có đầu tư tài chính, sử dụng nhân lực bản xứ và thời gian được cấp visa dài một năm trở lên, nghĩa là cam kết và nhu cầu sống thời gian dài, được quyền sở hữu nhà và đất ở, là dại hay là khôn? Chắc chắn người trả lời hay nhất không phải là chúng ta.

Lại nghĩ về những đề xuất của ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mới đây về việc hạn chế không cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, cũng như những phát ngôn của ông về việc đánh thuế người gửi tiết kiệm ở thời điểm nhà đất đóng băng nhằm kích cầu cho bất động sản, thì cảm thấy vô cùng khó hiểu và bất nhất.

Căn hộ nằm bên dòng sông Châu Giang thơ mộng ấy, thực sự đã không phải hào phóng cho nhiều người sự trải nghiệm. Bởi vậy, đi, thấy và viết, tôi cảm thấy mình quá may mắn trong cuộc đời này.

Theo Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}