Chợ đen tràn ngập vé mời xem chung kết U23 Việt Nam, hét giá 'trên trời'

Một 'phe vé' cho biết hầu hết vé chợ đen đều là vé mời, mua lại từ những người không có nhu cầu để bán kiếm lời.

Ngày 21-5, một ngày trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 giữa chủ nhà U23 Việt Nam và U23 Thái Lan, theo ghi nhận, thị trường vé chợ "đen" trước cửa sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) rất sôi động.

Dọc trục đường Lê Quang Đạo, đoạn qua sân Mỹ Đình luôn có khoảng 30-40 "phe vé" đứng bên đường chào mời khách mua vé xem trận chung kết của U23 Việt Nam.

Thị trường vé chợ đen trước cửa sân Mỹ Đình sôi động trước chung kết U23 Việt Nam - U23 Thái Lan

Theo khảo sát, vé bị đẩy giá lên gấp từ 5 đến 15 lần. Cụ thể, các vé mệnh giá 600 nghìn đồng/cặp được rao bán 5-7 triệu đồng/cặp, trong khi các vé có vị trí trung tâm khán đài A, B được phe "hét" lên tới 15 triệu đồng/cặp, cá biệt có phe rao bán 17 triệu đồng/cặp.

Anh Nguyễn Văn Thắng (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết bản thân và bạn bè rất muốn được trực tiếp vào sân cổ vũ U23 Việt Nam đấu Thái Lan, và sẵn sàng chi cả triệu đồng cho một chiếc vé, nên ra chợ đen hỏi mua. Tuy nhiên khi được "phe vé" báo giá, anh đã từ bỏ ý định.

"Một chiếc vé bằng cả tháng lương. Có lẽ tôi sẽ rủ bạn bè đến tụ điểm công cộng nào đó xem, cổ vũ đội tuyển qua màn hình vậy", anh Thắng chia sẻ.

Trong số hàng trăm lượt người ghé hỏi mua, cũng có một vài giao dịch thành công. Tuy nhiên đa số phe chấp thuận bán thấp hơn khá nhiều so với giá "nói thách" ban đầu.

Dân "phe vé" chỉ thích mua/bán vé mời để đáp ứng nhu cầu

Đặc biệt theo tiết lộ của một "phe vé", vé chợ đen hầu hết là vé mời do những người được phân phối hay được tặng nhưng không có nhu cầu nên nhượng lại.

Trong khi đó, đối với vé bán cho người hâm mộ qua ứng dụng trực tuyến sẽ không trả vé giấy như thường lệ, thay vào đó ban tổ chức trả vé điện tử (có mã QR). Khi vào sân, vé điện tử này sẽ được quét lần đầu tiên và duy nhất. Lo ngại rủi ro từ những giao dịch vé điện tử nên người mua và ngay cả dân "phe" cũng không mặn mà với vé loại này. Vì vậy, chợ đen gần như chỉ xuất hiện vé mời.

Ngoài rao bán, các "phe" cũng rất tích cực chào mua lại từ những người không có nhu cầu, với mức giá cao hơn từ 3-5 lần so với mệnh giá gốc.

Giới "phe" nhận định, hai ngày nghỉ cuối tuần là cơ hội tốt để bán được vé với giá cao, nhất là khi nhu cầu xem trận chung kết lịch sử của U23 Việt Nam tại SEA Games 31 đang lên rất cao và nguồn vé do ban tổ chức phát hành đã hết từ ngay ngày đầu mở bán, 15-5.

Sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi, tuy nhiên ban tổ chức SEA Games 31 chỉ bán 20.000 vé cho người hâm mộ trên hệ thống online. Số vé còn lại khoảng 20.000 vé, ban tổ chức đại hội không bán mà in vé mời, phục vụ việc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, đối tác, nhà tài trợ...

Sôi động không kém là thị trường vé chợ đen trên mạng internet.

Trên nhiều diễn đàn mạng, các tài khoản công khai số lượng vé đang sở hữu và giá bán, sẵn sàng giao dịch với người có nhu cầu. Hầu hết cũng đều là vé mời, với mức giá từ 5-18 triệu đồng/cặp, tùy vị trí và tùy theo người bán.

Một tài khoản công khai bán 23 cặp vé khán đài B với ía 15 triệu đồng/cặp

Cảnh giác với vé giả
Theo ghi nhận, trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình chưa xuất hiện vé mời bị làm giả.

Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, nơi diễn ra trận chung kết bóng đá nữ giữa Việt Nam và Thái Lan vào 19h tối 21-5 trên SVĐ Cẩm Phả, vé giả đã xuất hiện. Kẻ gian đã cho in màu làm giả những chiếc vé mời giả và rao bán trên mạng xã hội với mức giá 1 triệu đồng/cặp.

Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh khẳng định những bài đăng rao bán vé trận chung kết trên mạng có thể là lừa đảo, bán vé giả và đang phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, xử lý những "phe vé" bán vé giả này.

Đây chắc chắn là thông tin người hâm mộ cần lưu ý để cảnh giác, tránh mua phải vé giả trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan vào 19h tối 22-5.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/cho-den-tran-ngap-ve-moi-xem-chung-ket-u23-viet-nam-het-gia-tren-troi-post505293.antd