Chống lây nhiễm COVID-19 giữa cộng đồng và bệnh viện: Bảo vệ bác sỹ

Bệnh viện Bạch Mai, nơi bị cách ly nhiều ngày qua để tránh lây lan dịch ảnh: hoàng mạnh thắng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh 237 người Thụy Điển có đến thăm khám tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Tiểu ban điều trị đã đề xuất cùng các tiểu ban khác thống nhất nâng cấp phòng ngừa ở các bệnh viện.

“Tức là coi những người bệnh đến khám, cấp cứu, bệnh nhân mới ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh như là đối tượng, có khả năng truyền bệnh, triệu chứng, các vấn đề liên quan COVID -19 để các bệnh viện nâng cao cảnh giác, không bỏ sót, không kịp phát hiện cũng như lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế”- ông Khuê nói.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng có văn bản gửi giám đốc các sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên toàn quốc tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo này. Các cơ sở y tế cần thực hiện nâng cấp, cảnh giác hơn ngay từ khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện, từ bảo vệ đến khu vực cách ly. Các bệnh viện thực hiện tùy theo điều kiện, bố trí cơ sở tiếp đón nằm ngoài cơ sở khám chữa bệnh, tránh nguồn lây xâm nhập vào các cơ sở y tế.

Tất cả người dân đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ trước, tìm hiểu thông tin trước khi đến. Các cơ sở y tế củng cố đường dây nóng tư vấn cho người bệnh, các phương pháp mà người bệnh muốn tìm hiểu về bệnh, hẹn khám, qua công nghệ thông tin giúp tư vấn cho người bệnh thật đầy đủ, chỉ khi nào thật cần thiết mới đến khám, cấp cứu tại cơ sở y tế.

Một việc nữa là các bệnh viện xem xét các ca cần phẫu thuật thì giãn, làm chậm lại nếu được; cho thuốc bệnh nhân mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… trước là 1 tháng, nay cấp 2-3 tháng tùy tình trạng bệnh. Với trường hợp người bệnh được đến khám, điều trị tại bệnh viện thì phải thực hiện đúng quy định: Giường bệnh cách ly cách nhau 2m; người khám cũng cách nhau 2m trong lúc chờ đợi.

Các biện pháp dự phòng này bắt buộc các cơ sở y tế phải triển khai nghiêm túc, các cơ sở cùng vào cuộc để luôn luôn cảnh giác, giúp người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, có được nguồn lực, thầy thuốc luôn trong tư thế khỏe mạnh, hùng hậu, đủ điều kiện chiến đấu chống lại dịch bệnh…

Một vấn đề nữa là hiện tại số lượng người bệnh đến khám, điều trị, người bệnh nội trú đã giảm, các bệnh viện cần thực hiện Chỉ thị 16, thực hiện sách lược, chiến lược nhân lực điều trị. Tức là các bệnh viện cần chia thành 2 -3 kíp, các kíp cách nhau từ 7-14 ngày. Nếu không may có một kíp gặp người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 thì chỉ cách ly một kíp, kíp sau lại tiếp tục công việc, luôn luôn có lực lượng ứng trực trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Đây là việc quan trọng nhằm bảo toàn lực lượng, tránh như một số trường hợp bệnh viện vừa qua khi có ca dương tính thì toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa, không có đủ nhân lực. PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, hiện tại Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay như việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân đái tháo đường, ung thư…

Dân đổ ra đường, nỗ lực chống dịch sẽ đổ bể

Các chuyên gia y tế đang cảnh báo người dân có tâm lý chủ quan khi số ca mắc mới đang có xu hướng giảm trong vài ngày gần đây. Theo lý giải của các nhà khoa học, mặc dù số ca mắc mới mỗi ngày giảm, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh, song một số bệnh nhân mới có lịch trình đi lại phức tạp đang cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng. Một số người dân lại đang có tâm lý chủ quan dễ dẫn đến mọi nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua của Chính phủ và các ngành chức năng “đổ sông đổ bể”.

Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: “Thực tế nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận. Số ca giảm không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, số người nhập cảnh càng ngày càng ít đi nên số ca dương tính sẽ ít đi. Hiện nay, các ca lây trong cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm”. Chuyên gia này khuyến cáo người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm chỉnh và quyết liệt. Hai là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, các nghiên cứu công bố trên thế giới cũng cảnh báo virus này lây truyền trên người mà không có triệu chứng bên ngoài như: mệt mỏi, sốt, ho, đau họng, khó thở… Tại Việt Nam, nguy cơ cao xuất hiện những ca không có triệu chứng ở trong cộng đồng biểu hiện cụ thể qua việc đã có lây nhiễm từ bệnh viện ra cộng đồng, và từ cộng đồng vào bệnh viện.

Sẵn sàng cho phương án xấu hơn

PGS. TS. BS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, các biện pháp phòng dịch COVID-19 của bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài các biện pháp phân luồng, kiểm soát người ra vào cổng, lấy thông tin dịch tễ… các khu khám và điều trị riêng cho các bệnh nhân có nguy cơ là khu vực quan trọng nhất, được bệnh viện thực hiện đúng quy định. Bác sỹ Cường cũng cho biết, dù thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, các y bác sỹ phải làm việc cường độ cao hơn, phương pháp phòng dịch của Việt Nam có thể coi là hiệu quả so với các nước nhưng vẫn không thể lơ là.

“Bệnh nhân COVID-19 mới nhiễm không có biểu hiện ra ngoài nên không thể nói bệnh viện an toàn tuyệt đối. Chúng tôi có lo lắng nhưng không được phép sợ và chúng tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho phương án xấu hơn” - bác sỹ Cường nói.


Nguồn: Báo Tiền Phong