Chống tham nhũng, cần “tai thính, mắt sắc”

 Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia tham dự buổi tọa đàm về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi do Kiểm toán Nhà nước và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phối hợp tổ chức cuối tuần qua đã tập trung thảo luận về nội dung giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, việc kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán cũng như công khai báo cáo kiểm toán, với kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả hơn việc phòng chống tham nhũng.

Chống tham nhũng, cần “tai thính, mắt sắc”

Nhấn mạnh vai trò tiền kiểm dự án đầu tư công

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước có vị thế là “cơ quan tai mắt” của Quốc hội, là công cụ giúp Quốc hội thực hiện việc giám sát tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Bà An đưa ra con số so sánh, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại một tổng công ty nhà nước có quy mô lớn đã phát hiện con số thất thoát là 7.000 tỷ đồng, trong khi Thanh tra Chính phủ lại báo cáo chỉ thất thoát 1.000 tỷ đồng. Đại biểu Bùi Thị An bày tỏ, để “cơ quan tai mắt” này hoạt động hiệu quả, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi quy định càng cụ thể càng tốt.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Việt Phương đặt câu hỏi: “Kiểm toán Nhà nước đã được thành lập 20 năm nay và Luật Kiểm toán nhà nước 2005 được ban hành gần 10 năm, vì sao tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra tràn lan?”. Đại biểu Bùi Việt Phương bày tỏ mong muốn Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi cần có những quy định chi tiết hơn so với luật hiện hành để Kiểm toán Nhà nước hoạt động đúng với vị thế là công cụ giám sát tài sản công của Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi cũng nhấn mạnh đến vai trò của công tác tiền kiểm dự án đầu tư từ nguồn ngân sách của Kiểm toán Nhà nước. Thay vì quy định báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước trong các dự án và công trình quan trọng của quốc gia, Dự thảo mới quy định: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là một trong những căn cứ để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư của dự án và công trình quan trọng quốc gia đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước”.

Theo đánh giá của một chuyên gia kế toán, kiểm toán, lâu nay, Kiểm toán Nhà nước chủ yếu thực hiện hậu kiểm, vai trò tiền kiểm để tư vấn cho Quốc hội thẩm định các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất mờ nhạt. Chính vì vậy, việc phát hiện thất thoát, lãng phí của các dự án đầu tư công thường rơi vào trình trạng “sự đã rồi”.

Cũng liên quan đến nội dung giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc với đơn vị được kiểm toán”. Theo giải thích của PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mang tính công quyền, khác với báo cáo của kiểm toán độc lập, mang tính dịch vụ.

Cần sự đột phá trong quy định về “vùng cấm” thông tin

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất, Luật sửa đổi nên có sự đột phá về “vùng cấm” thông tin báo cáo kiểm toán. Theo ông Tuấn, lâu nay Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tại chỗ, nên chăng có quy định đơn vị được kiểm toán cần nộp báo cáo tài chính định kỳ, để Kiểm toán Nhà nước có thể “chẩn bệnh từ xa”, thấy trước các vấn đề bất ổn.

Đồng tình với quy định cấm tiết lộ bí mật của Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, song đại biểu Bùi Việt Phương cho rằng, quy định này còn quá chung chung.

“Cần cụ thể hóa quy định bí mật không được công khai, bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng có quá nhiều vùng cấm. Nói là bí mật của Nhà nước, nhưng cũng có nhiều danh mục bí mật, cấp nào được biết. Ngay trong khu vực an ninh, quốc phòng, việc chi mua sắm ô tô, xây trụ sở thì không thể coi là bí mật quốc gia”, đại biểu Phương nêu quan điểm.

Ai giám sát chất lượng kiểm toán?

Đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc phát hiện thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản công, các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm cũng đề nghị cần có cơ quan giám sát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

PGS. TS Đặng Văn Thanh cho biết, Luật sửa đổi cũng nên theo thông lệ quốc tế, Quốc hội cần có một cơ quan chuyên trách giám sát chất lượng kiểm toán và tổng hợp các thông tin báo cáo kiểm toán về các lĩnh vực riêng để chuyển đến các đại biểu Quốc hội.

Được biết, Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước đã được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang được đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan. Quan điểm soạn thảo Luật là sẽ cụ thể, chi tiết để Luật có thể đưa vào thực thi, mà không cần đến Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Hằng Phương

{fcomment}