Kinh doanh có lãi, doanh nghiệp mong được ưu đãi thuế

Dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm, các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh sáng sủa hơn, nhưng đa số doanh nghiệp niêm yết trên HNX được hỏi vẫn mong muốn được Nhà nước ưu đãi thuế.

 

Kinh doanh có lãi, doanh nghiệp mong được ưu đãi thuế

 

Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách nào là quan trọng nhất? Với 4 sự lựa chọn được người dẫn chương trình - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nêu ra là: gia tăng đầu tư công/nới lỏng quản lý TTCK/ưu đãi thuế/tăng gói tín dụng, có 56% doanh nghiệp đã chọn "ưu đãi thuế" là điểm mong đợi hàng đầu của năm nay.

Với hơn 300 doanh nghiệp tham dự Hội nghị doanh nghiệp niêm yết HNX ngày 3/10/2014, hoạt động khảo sát doanh nghiệp về 20 chủ đề nóng trên TTCK đã mang lại những thông tin thú vị và bổ ích cho nhiều chủ thể.

Cũng câu hỏi về điểm mong đợi của doanh nghiệp tại Diễn đàn của HNX, năm 2013, 45% doanh nghiệp đã trả lời mong được ưu đãi thuế. Như vậy, năm 2014, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tuy đã được giảm xuống 22% (trước đây là 25%), các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh sáng sủa hơn (6 tháng đầu năm 2014, có 81,6% doanh nghiệp niêm yết trên HNX có lãi, với giá trị lãi gia tăng 15% so với cùng kỳ 2013), nhưng nhu cầu được ưu đãi thuế lại trở nên thiết thực hơn.

Diễn biến này là hợp lý, bởi chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, thì ưu đãi thuế mới có giá trị, còn khi doanh nghiệp lỗ, nghĩa vụ thuế là không phát sinh.

Chỉ có 5% doanh nghiệp chọn lựa hãy nới lỏng điều kiện quản lý TTCK trong câu hỏi trên, thấp hơn mức 10% của năm trước đó. Có lẽ các doanh nghiệp đã dần quen với quy định pháp lý trên TTCK và không cảm thấy quá áp lực khi phải thực thi các nghĩa vụ của công ty niêm yết/đại chúng theo luật. Tuy nhiên, vai trò của TTCK vẫn chưa thực sự rõ nét với doanh nghiệp khi có tới 56% doanh nghiệp cho biết, nếu cần vốn, họ tính ngay đến việc đi vay ngân hàng, trong khi chỉ có 24% doanh nghiệp chọn sẽ tìm cách phát hành chứng khoán huy động vốn.

Một câu hỏi thú vị khác được TS. Trần Đình Thiên nêu ra tại Hội nghị để khảo sát điều lo ngại nhất của các doanh nhân khi đưa doanh nghiệp lên sàn. Kết quả, có 18% doanh nhân sợ bị mất doanh nghiệp do thâu tóm trên sàn, 9% doanh nhân sợ doanh nghiệp bị cơ quan quản lý phạt; 5% doanh nhân sợ bị cổ đông kiện và đưa lên báo, trong khi có 69% doanh nhân sợ doanh nghiệp mình sẽ bị cạnh tranh không lành mạnh.

Như vậy, so với năm 2013, số doanh nhân sợ mất doanh nghiệp đã giảm (năm 2013, tỷ lệ 24%), cho thấy, các doanh nhân đã bản lĩnh hơn trước khả năng doanh nghiệp bị thâu tóm. Điều doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay là môi trường kinh doanh không bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh, sẽ khiến doanh nghiệp khó đứng vững trên thương trường.

Liên quan đến quản trị công ty, khó khăn chung nhất của doanh nghiệp (56% chọn) là không tìm được thành viên HĐQT độc lập, đồng thời 33% doanh nghiệp cho biết, nếu ứng viên đáp ứng được tiêu chí độc lập thì lại… không hiểu biết gì về doanh nghiệp.

Trước vướng mắc này, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết, UBCK hiểu khó khăn của doanh nghiệp và đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ thông qua việc mở rộng đào tạo nhân sự có khả năng làm thành viên HĐQT độc lập, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin theo ngành để các doanh nghiệp dễ dàng tìm ứng viên khi có nhu cầu.

Hơn 20 câu hỏi thiết thực đã được HNX xây dựng để khảo sát 300 doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Câu trả lời trực diện và thực chất của doanh nghiệp sẽ là căn cứ để HNX, UBCK đề xuất các chính sách thiết thực hơn, hữu ích hơn cho doanh nghiệp và cho TTCK Việt Nam.

Người quan sát

{fcomment}