Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) được xem là 'giấy thông hành' giúp sinh viên hội nhập với thị trường lao động tốt nhất.
Học sinh THPT đi luyện thi chứng chỉ IELTS tại một trung tâm với người nước ngoài. Ảnh: TG
Vì vậy, ngoài yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ với sinh viên theo từng mức độ, nhiều trường đại học đã cho phép sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEIC được quy đổi hoặc cộng điểm ưu tiên xét tuyển.
Không chỉ có IELTS và TOEIC
Với mục tiêu hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo, phần lớn các trường đại học tại Việt Nam áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên theo chuẩn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEIC.
Áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo hệ thống chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không phải là sính ngoại mà đơn giản là giúp sinh viên có nhiều cơ hội du học nước ngoài, theo học các chương trình liên kết quốc tế thuận lợi hơn. Bởi phần nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới có các suất học bổng hay chương trình liên kết đào tạo với trường đại học tại Việt Nam đều yêu cầu sinh viên phải có trình độ tối thiểu năng lực ngoại ngữ theo chuẩn TOEIC hoặc IELTS.
Sức nóng của việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC (từ 550 điểm trở lên) hay IELTS (từ 4.5 điểm trở lên) với sinh viên vài năm trở lại đây chưa bao giờ thôi sục sôi. Nhiều em chỉ vì không thể hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh theo quy định mà đánh mất cơ hội việc làm…
Tuy vậy, với thực tế hiện nay việc sở hữu khung năng lực tiếng Anh tốt không chỉ thông qua các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trên mà sinh viên có thể theo học và thi các chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam (VSTEP).
VSTEP được nhiều cán bộ quản lý đánh giá có chất lượng sát hạch và cung cấp lượng kiến thức nền cho sinh viên tốt, thậm chí ngang ngửa với hệ thống thi và sát hạch chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Hội đồng Anh, hay Cambridge. “Vấn đề do năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam không đồng đều nên nhiều trường đại học chưa áp dụng chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ theo VSTEP. Đây là nguyên chính khiến VSTEP chưa thể vươn tầm quốc tế”, TS Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM chia sẻ.
Theo TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, việc hàng loạt trường đại học trong đó có ĐHQG TPHCM cho phép sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh cũng như xét chuẩn đầu ra, hay quy đổi sang điểm tương ứng của 2 chứng chỉ quốc tế IELTS và TOEIC cho thấy xu hướng mở trong xét tuyển và thang bậc chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ cho sinh viên ngày càng đa dạng.
“Ngoài chứng chỉ IELTS và TOEIC, VSTEP đang thu hút sự quan tâm và chú ý của người học. Ngoài chi phí học tập, ôn luyện và thi thấp hơn 2 chứng chỉ trên khá nhiều thì năng lực ngoại ngữ của người học đạt được VSTEP cũng tương đương hai chứng chỉ trên khi cấu trúc bài thi và hàm lượng kiến thức đòi hỏi ở người học qua 4 kỹ năng nghe – nói - đọc – viết rất nhiều.
Để tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia học tập, thi và lấy chứng chỉ VSTEP nhằm hoàn thành chuẩn đầu ra, đầu vào hay làm cơ sở đối sánh khi đi du học, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng và ban hành thang điểm quy đổi từ VSTEP sang chứng chỉ IELTS và TOEIC và chứng chỉ khác. Vì vậy, có thể thấy việc phát triển năng lực ngoại ngữ của người học không chỉ thông qua việc thi và sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế”, TS Thanh nói.
Biết mình muốn gì
Sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC hay Cambridge mang lại nhiều lợi thế cho sinh viên khi được các trường đại học ngoài biên giới Việt Nam công nhận, hay làm tiêu chí để xét học bổng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho bản thân chỉ phục vụ giao tiếp, học tập (không săn học bổng) và đảm bảo yêu cầu công việc thì người học vẫn có nhiều lựa chọn ngoài các chứng chỉ quốc tế.
Sinh viên thi thử chứng chỉ IELTS. Ảnh: TG
Bởi thực tế, khung chương trình đào tạo và bộ đề thi sát hạch của VSTEP có độ khó và đòi hỏi sự hoàn thiện 4 kỹ năng nghe - nói - đọc – viết của người học tương đương các chứng chỉ quốc tế.
Trao đổi và đưa ra lời khuyên với người học trong việc thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh giữa vô vàn lựa chọn, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, người học nên cân nhắc bài toán kinh tế, năng lực ngoại ngữ của bản thân cũng như nhu cầu và mục đích là gì để đăng ký và lựa chọn.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, trước đây, các trường đại học thành viên thuộc ĐHQG TPHCM quy định, khi sinh viên học hết các học phần, chứng chỉ, muốn tốt nghiệp buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ do các trường thành viên của ĐHQG TPHCM cấp, hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Còn nay, việc này được mở rộng hơn khi các trường công nhận cả chứng chỉ VSTEP.
“Học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ nội hay ngoại là quyền của người học. Bởi chỉ có họ mới biết nhu cầu và mục đích (nền tảng và kỹ năng ngoại ngữ) ở ngưỡng nào. Với sinh viên hay học viên cao học chỉ cần chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chuẩn đầu ra, hay đầu vào theo quy định thì việc lựa chọn học và thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP là giải pháp phù hợp. Với người học có nhu cầu du học, săn học bổng hay xét tuyển vào trường đại học nào đó ngoài biên giới Việt Nam có thể chọn lựa IELTS hay TOEIC…”, TS Hạ nhấn mạnh.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM hiện dùng cả chứng chỉ IELTS và VSTEP để tuyển sinh đầu vào cho sinh viên, học viên. “Với chứng chỉ VSTEP, người học thuận lợi hơn vì chi phí thi rẻ, phương thức học và thi không quá xa lạ và khác biệt. Quan trọng là chứng chỉ VSTEP được Bộ GD&ĐT cho phép quy đổi điểm tương ứng sang các chứng chi khác như IELTS, TOEIC, TOEFT…
25 trường đại học được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP. Đây không chỉ là thuận lợi cho người học, mà quan trọng hơn, chứng chỉ VSTEP ngày càng đáp ứng nhu cầu của người học trong việc phát triển năng lực ngoại ngữ và dùng để xét tuyển vào các trường đại học” – ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nói.
ThS Trịnh Hữu Cường, giảng viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nhìn nhận: “Chứng chỉ IELTS hay TOIEC của tổ chức nước ngoài đánh giá, theo tiêu chí riêng và được công nhận trên toàn thế giới tất nhiên có giá trị riêng của nó. Hiện phần đa sinh viên và giảng viên vẫn chuộng việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Cái lợi là rất rõ, nhưng cứ như vậy có nghĩa chúng ta bị phụ thuộc vào các tổ chức ngoài nước. Hiện tôi thấy chứng chỉ VSTEP cũng phù hợp, có khung tham chiếu cho người dùng và đặc biệt là được các trường công nhận, giáo viên, giảng viên trong nước sử dụng để giảng dạy”.
-
Công viên gần 160 nghìn m2 ở Hà Nội thành nơi... trồng rau, nuôi gà
-
Lễ ký kết hợp tác giữa Onekey & Partners với Quỹ chống hàng giả
-
Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 17/11
-
Mải 'hóng' chuyện đại gia và người đẹp, vợ chồng tôi cãi nhau
-
Những thói quen khiến con bạn gù
-
KDH khai trương nhà mẫu Dự án Melosa Garden
-
Hút mắt với mẫu Galaxy Note 5 mạ vàng giá 32,6 triệu đồng
-
Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá
-
VCCI lại đề nghị 6 tháng phải rà soát pháp luật kinh doanh 1 lần
-
Mỹ cấp phép cho loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể mới