Chuyện gì đang xảy ra với Shopee?

Doanh thu tăng trưởng đều hàng năm nhưng Shopee liên tục báo lỗ. Từ cuối năm 2021 đến nay, Shopee thường xuyên gặp trở ngại trong việc phát triển thị trường.

Đầu tháng 3, Forrest Li - CEO Sea Limited (công ty mẹ của Shopee) - gửi một email nhằm trấn an nhân viên. Đây là lần hiếm hoi vị lãnh đạo kín tiếng đích thân lên tiếng sau khi vốn hóa thị trường của công ty bốc hơi 75% chỉ trong vòng 5 tháng.

“Đây chỉ là một đợt sụt giảm ngắn hạn. Chúng ta cần vượt qua để phát huy hết tiềm năng lâu dài”, Li khẳng định.

Tuy nhiên, ông không lường trước được rằng kể từ lần gửi email đó, giá cổ phiếu lẫn vốn hóa thị trường của Sea vẫn tiếp tục lao dốc. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu Sea được giao dịch ở mốc 70,62 USD/đơn vị, vốn hóa thu hẹp còn 40 tỷ USD.

Kết quả kinh doanh thất vọng

So với tháng 10/2021, giai đoạn hoàng kim nhất, cổ phiếu Sea đã giảm 80,3% trong khi vốn hóa bốc hơi gần 80% giá trị. Cú sốc trên thị trường chứng khoán cũng khiến tài sản ròng của Forrest Li giảm 5,2 lần, từ 22 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD.

Từng là người giàu nhất Singapore, vị tỷ phú 44 tuổi nay lùi về vị trí thứ 5. Ông hiện là người giàu thứ 672 thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes.

Việc giá cổ phiếu Sea liên tục điều chỉnh thời gian qua vốn được dự báo từ trước. Theo giới phân tích, đà tăng trưởng của cổ phiếu Sea hoàn toàn phi lý và tiềm ẩn nguy cơ trở thành bong bóng công nghệ. Riêng năm 2020, giá cổ phiếu công ty niêm yết trên sàn NYSE đã tăng 395%.

Trên thực tế, dù ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng năm, công ty vẫn phải đối mặt với khoản lỗ ròng ngày một phình to. Ba mảng kinh doanh chính của Sea hiện bao gồm giải trí (Garena), thương mại điện tử (Shopee) và dịch vụ tài chính (SeaMoney).

Giá cổ phiếu công ty chưa dừng lao dốc. Ảnh: TradingViews.

Trong năm 2021, doanh thu công ty đạt 9,95 tỷ USD, cao gấp đôi năm 2020. Song, khoản lỗ ròng cũng bị kéo từ 1,62 tỷ USD lên 2,04 tỷ USD. Riêng quý IV, công ty lỗ khoảng 616,3 triệu USD, tăng thêm 91,7 triệu USD so với cùng kỳ.

Thương mại điện tử vẫn là mảng kinh doanh chủ lực của Sea. Quý IV/2021, tổng đơn đặt hàng của công ty vượt 2 tỷ đơn vị, tăng 90,1% so với cùng kỳ, nâng tổng giá trị hàng hóa (GMV) lên 18,2 tỷ USD, tăng 52,7%.

Xét trên cả năm, doanh thu GAAP mảng thương mại điện tử đạt 4,5 tỷ USD, tăng 156,8% và đạt 1,48 tỷ USD, tăng 125,8% vào quý IV.

Nhìn chung, kết quả này được cộng hưởng một phần từ nhu cầu mua sắm online của người dùng giữa bối cảnh đại dịch. So với các mảng khác, doanh thu và chi phí kinh doanh của thương mại điện tử đều chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội.

Dẫu vậy, mảng này của Sea vẫn lỗ 2,7 tỷ USD trong năm 2021 và 941 triệu USD vào quý IV.

Bước sang quý I/2022, doanh thu công ty đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thương mại điện tử và các dịch vụ khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 51%.

Tương tự các báo cáo trước, hoạt động kinh doanh của Sea không phát sinh lợi nhuận và tiếp tục lỗ ròng 580,1 triệu USD.

Hoạt động phát sinh nhiều vấn đề

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan, quá trình phát triển của Sea Ltd còn bị kìm hãm bởi một số yếu tố khác, bao hàm cả vấn đề chính trị.

Sau khi công bố báo cáo tài chính hàng quý thất vọng, giới đầu tư bắt đầu bán tháo ồ ạt cổ phiếu công ty vào tháng 11 năm ngoái. Bản thân Tencent, một trong những cổ đông lớn của Sea, cũng tuyên bố cắt giảm bớt cổ phần.

Tuy nhiên, việc chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm tựa game di động của Garena (Free Fire) vào giữa tháng 2 như “giọt nước tràn ly” đối với công ty. Trong thời gian ngắn, giá trị vốn hóa của Sea lập tức bốc hơi 16 tỷ USD.

Shopee bị đóng cửa ở hai thị trường từ đầu năm đến nay. Ảnh: SCMP.

Hai năm qua, Ấn Độ thường xuyên cấm cửa ứng dụng của Trung Quốc sau khi hai nước xảy ra xung đột ở biên giới. Song, động thái cấm tựa game di động có doanh thu cao nhất nước này (giai đoạn quý III/2021) với lý do không đảm bảo quyền riêng tư khiến Sea bất ngờ và rơi vào thế bị động.

Bên cạnh đó, các biện pháp mạnh tay của chính phủ Ấn Độ còn đe dọa tương lai của Shopee tại thị trường tỷ dân. Tính đến tháng 12 năm ngoái, nền tảng này có khoảng 300 nhân viên và 20.000 người bán bản địa.

Chỉ hơn một tháng kể từ thời điểm Free Fire bị cấm, Sea quyết định đóng cửa Shopee tại thị trường Ấn Độ sau 6 tháng hoạt động. Giải thích với Economics Times, công ty này viện dẫn lý do xuất phát từ những bất ổn của thị trường toàn cầu.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Sea cũng thông báo đóng cửa mảng thương mại điện tử ở Pháp. Đây vốn là một trong những thị trường mới tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh Shopee đẩy mạnh phát triển ra ngoài phạm vi Đông Nam Á.

Tại châu Âu, Shopee vẫn có mặt tại Tây Ban Nha và Ba Lan. Nền tảng này cũng xuất hiện và nỗ lực chiếm thị phần ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Colombia, Argentina, Mexico…

Công ty con âm vốn chủ sở hữu

Sea có sự hiện diện rõ rệt ở thị trường Việt Nam thông qua hai nền tảng Shopee và Garena. Đối với Shopee, sàn thương mại điện tử này đã có nhiều năm dẫn đầu thị phần lẫn lưu lượng truy cập, vượt xa ba đối thủ cả ngoại lẫn nội là Lazada, Tiki và Sendo.

Tính riêng quý I/2022, lưu lượng truy cập website mỗi tháng của sàn đạt 84,5 triệu lượt. Công ty phân tích dữ liệu Metric cho biết từ ngày 13/5-11/6, Shopee đã bán hơn 90 triệu sản phẩm với tổng doanh số lên tới 7.639 tỷ đồng.

Song, tương tự những thị trường khác, hoạt động kinh doanh của Shopee vẫn chìm trong thua lỗ.

Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính, doanh thu nhóm ngành viễn thông, phần mềm trong năm 2020 đạt 43.985 tỷ đồng. Trong đó, hai công ty có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất là Airpay (nay là ShopeePay) đạt 4.555 tỷ đồng, chiếm 10,35% và Shopee đạt 2.329 tỷ đồng, chiếm 5,29%.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Shopee đạt 3.426 tỷ đồng, tăng 1.782 tỷ đồng (108%) so với năm liền trước. Tuy nhiên, số nợ phải trả của công ty này lên tới 4.888 tỷ đồng, tăng 227% so với năm trước, số nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 99,85%.

Từ kết quả trên, vốn chủ sở hữu của Shopee đã âm 1.463 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới 6.729 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019.

Dù doanh thu tăng 2.329 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn âm 1.610 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nộp ngân sách nhà nước 48 tỷ đồng trong năm 2020.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính không đánh giá cao khả năng thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh của Shopee khi cùng ở mức 0,64 lần.

Trong khi đó, tổng tài sản của Airpay đến hết năm 2020 đạt 2.077 tỷ đồng, cao hơn 137% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu của công ty vẫn dương 650 tỷ đồng do nợ phải trả ở mức 1.427 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 4.555 tỷ đồng, lỗ trước thuế 104 tỷ đồng và đóng vào ngân sách nhà nước 67,86 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,69% số nộp ngân sách của ngành.

Nguồn: zingnews.vn