Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Yun Hang, Giám đốc Khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities - KIS (Hàn Quốc) cho rằng, triển vọng đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng rất lớn, nhưng để nhóm cổ phiếu ngành này bật mạnh trong thời gian tới thì chưa thể, vì ngành này đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Xin cho biết đánh giá của ông về kết quả tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam?
Công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng của Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như: xử lý được những yếu kém của ngân hàng nhỏ thông qua M&A. Từ đó, thanh khoản của các ngân hàng được cũng cố và tốt hơn. Tuy nhiên, M&A không phải là giải pháp cuối cùng, chẳng hạn như khi hợp nhất các ngân hàng yếu, vì ngân hàng sau hợp nhất chưa chắc đã trở thành một ngân hàng lớn, phát triển vững mạnh, nếu không có sự hỗ trợ từ phía NHNN. Thực tế cho thấy, những ngân hàng sau M&A vẫn còn nhiều khó khăn.
Thách thức lớn nhất đối với các NHTM Việt Nam hiện nay là gì, theo ông?
Cái khó nhất của ngân hàng Việt Nam chính là nợ xấu, rất khó xử lý triệt để. Sau khi Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) được thành lập thì kỳ vọng mua và xử lý nợ xấu là rất lớn. Trong năm qua, lượng nợ xấu mà VAMC mua lại từ các ngân hàng là khá lớn, nhưng đã chậm lại ở 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, với lượng lớn nợ xấu đã mua, trên 50.000 tỷ đồng, đến nay, VAMC cũng chưa bán lại được nhiều.
Theo VAMC, trong năm nay, Công ty dự định sẽ mua thêm 50.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu từ các NHTM. Tuy nhiên, tiến độ mua nợ xấu không như trước, trong khi nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng lên, nhất là sau khi các ngân hàng phải phân loại nợ và trích lập dự phòng theo các quy định mới của Thông tư 09 và Thông tư 02. Nợ xấu chưa được xử lý và tăng lên sẽ tiếp tục là rào cản lớn đối với tín dụng, một hoạt động chủ yếu của các ngân hàng Việt Nam.
Ông Yun Hang
Ông có nhận định gì về việc nợ xấu của ngân hàng Việt Nam tiếp tục gia tăng?
Qua báo cáo tài chính của các NHTM 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên, thậm gấp đôi, khiến dự phòng gia tăng và lợi nhuận suy giảm. Điều đó cho thấy, việc kiểm soát và xử lý nợ xấu của ngân hàng đang có những khó khăn nhất định. Cho dù NHNN không cho biết con số chính xác về nợ xấu, nhưng theo đánh giá, nhận định của các chuyên gia cũng như tổ chức kinh tế nước ngoài thì nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam cũng là vấn đề đáng báo động.
Tuy nhiên, theo tôi, đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, đã có lịch sử tín dụng tăng trưởng nhanh trong những năm trước đây thì khi thị trường khó khăn, khó tránh được tình trạng nợ xấu cao. Nhưng nợ xấu của ngân hàng Việt Nam hiện vẫn trong tầm kiểm soát.
Nhưng nợ xấu vẫn cản trở tín dụng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cả TTCK?
Đúng vậy, tín dụng khó tăng trưởng cũng có nghĩa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặt khác, khi nợ xấu tăng, doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Khi ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng thì việc rót vốn cho doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Chính việc tín dụng tăng trưởng thấp tại Việt Nam hiện nay là yếu tố không tích cực cho thị trường nói chung, doanh nghiệp nói riêng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Một khi doanh nghiệp không đẩy mạnh được hoạt động sản xuất - kinh doanh thì các ngân hàng cũng khó tăng lợi nhuận. Trong khi đó, hiện quy mô vốn của các ngân hàng đã niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành đã niêm yết trên TTCK Việt Nam. Vì thế, khi lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết sụt giảm, TTCK cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Điều đó có nghĩa, nhà đầu tư không nên bỏ vốn vào cổ phiếu ngân hàng lúc này, thưa ông?
Với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, theo tôi, trước khi đầu tư, nhà đầu tư nên xem xét các nhà băng đã được tái cơ cấu như thế nào. Có thể, trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2014, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục rót tiền để xử lý nợ xấu thông qua VAMC, qua đó kỳ vọng hoạt động ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, để nhóm cổ phiếu ngành này bật mạnh trong thời gian tới thì chưa thể, vì quá trình tái cơ cấu, với mức độ phức tạp của nó, cần có nhiều thời gian để hoàn thành.
Lãi tiết kiệm đã giảm nhiều, song đây vẫn được cho là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh hiện nay. Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi lúc này?
Theo tôi, đầu tư vào chứng khoán sẽ có mức sinh lời cao hơn khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước, nhất là với tiền gửi ngắn hạn - trần lãi suất chỉ còn 6%/năm.
Trên thực tế, chỉ số VN-Index trong năm ngoái vẫn tăng trên 20% và trong hơn nửa đầu năm nay đã tăng khoảng 15%. Thời gian còn lại của năm 2014 không còn nhiều, nhưng chỉ số VN-Index có khả năng sẽ tiếp tục tăng và đạt mốc trên dưới 650 điểm trong năm nay. Vì thế, nếu nhà đầu tư xem xét và biết lựa chọn những cổ phiếu tốt thì đầu tư vào chứng khoán những tháng cuối năm vẫn khả dĩ mang lại mức sinh lời cao hơn so với gửi tiết kiệm và một số kênh khác như bất động sản hay vàng.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để có hiện tượng các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền tiết kiệm bỏ vào chứng khoán. Về cơ bản, đối với thị trường Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả ngoài tiết kiệm và chứng khoán hay bất động sản, trong khi rủi ro của các kênh ngoài tiết kiệm nhìn chung là cao hơn.
{fcomment}
-
Chàng trai 9X khởi nghiệp từ lan rừng kết hợp nuôi dúi
-
Sáng cửa cho những mô hình P2P đích thực tại Việt Nam
-
Nhựa Đông Á có thể tăng vốn lên hơn 2,5 lần
-
Heatpump Atmos-Frost Solahart: Công nghệ nước nóng thông minh đẳng cấp nhất
-
Dính hàng loạt lỗi, Quản lý quỹ Bông Sen bị phạt nặng
-
Không phải Elon Musk, đòn bẩy 100 lần mới là thứ khiến tiền ảo biến động như đi tàu lượn
-
STDA mở bán Dự án Goldmark City
-
Seasons Avenue: Chọn thanh toán nhanh, khách hàng hưởng lợi cả trăm triệu đồng
-
Chọn xe điện theo mục đích sử dụng như thế nào?
-
Cư dân Morning Star tố chủ đầu tư giam cả chục tỷ đồng quỹ bảo trì