Theo chuyên gia, sẽ khó xây dựng khối tài sản lớn nếu chỉ gửi tiết kiệm dài hạn, nhà đầu tư cần cân nhắc mục tiêu, khẩu vị đầu tư để phân bổ tài sản phù hợp.
Với tính chất ổn định và ít rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Ưu điểm thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt giúp hình thức này phù hợp với các kế hoạch tài chính ngắn hạn hoặc cho quỹ khẩn cấp.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi thường thấp hơn so với các kênh đầu tư khác. Trong dài hạn, tiền gửi của nhà đầu tư sẽ khó bảo toàn bởi lạm phát.
Tiền gửi tiết kiệm có thể bị "ăn mòn" do lạm phát
Theo ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank, hiện tượng lãi suất tăng cao như giai đoạn cuối năm 2022 chỉ mang tính thời điểm, do đó lợi nhuận từ kênh tiền gửi tiết kiệm không bền vững về dài hạn. Lãi suất thực dương của tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây rơi và khoảng trên dưới 3% mỗi năm, tức lãi suất danh nghĩa khoảng 7-8% đã trừ đi lạm phát 4-4,5%. Thực tế, tỷ lệ lạm phát có thể còn cao hơn.
Khi so sánh tốc độ tăng lãi suất trung bình của kênh tiền gửi với giá nhà đất trên thị trường, có độ vênh nhất định. Đơn cử, nếu bạn gửi tiết kiệm 3 tỷ đồng trong 10 năm để thực hiện mục tiêu mua nhà. Với mức lãi suất trung bình của kênh tiền gửi là khoảng 7% năm, sau 10 năm, số tiền bạn có là hơn 5,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trung bình của giá nhà đất vào khoảng 10% mỗi năm theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tính từ 2014-2021, 10 năm sau giá của ngôi nhà đã lên tới gần 7,8 tỷ đồng.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư trong dài hạn
Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư thường khó có thể xây dựng khối tài sản lớn nếu chỉ nắm giữ tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm trong dài hạn. Nhà đầu tư nên cân nhắc mục tiêu tài chính và khẩu vị đầu tư để phân bổ các lớp tài sản phù hợp.
Song song đó, lãi suất gửi tiết kiệm đang giảm dần về cuối năm, mức giảm lên tới 3-4,5% điểm phần trăm so với giai đoạn cuối năm ngoái. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động ở hàng loạt kỳ hạn. Trong đó nhóm big4 gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang ở mức thấp chỉ từ 3% - 4,7% áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng.
Tính đến hết tháng 5/2023, mức tăng tiền gửi của người dân dần chững lại, số dư tiền gửi của các tổ chức giảm. Ở chiều hướng ngược lại, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhiều phiên giao dịch trong tháng 7 ghi nhận mức thanh khoản tỷ USD, minh chứng cho tâm lý của nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn khi lãi suất tiết kiệm đã bớt hấp dẫn.
Theo chuyên gia, về ngắn hạn dòng tiền vẫn thận trọng trước bức tranh ảm đạm của kinh tế vĩ mô, nhưng về dài hạn, nền kinh tế Việt Nam luôn phát triển tích cực, kỳ vọng tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết cao. Thời gian đầu tư càng lâu cộng hưởng với sức mạnh của lãi suất kép giúp tài sản thu về từ việc nắm giữ cổ phiếu càng hấp dẫn.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư cổ phiếu đòi hỏi nhà đầu tư phải có thời gian, kiến thức chuyên môn để nghiên cứu, phân tích nhằm chọn lọc đúng cổ phiếu tiềm năng và ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Những nhà đầu tư không có kinh nghiệm và kiến thức có thể đầu tư thông qua các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp. Tại các quốc gia phát triển, nhiều người dân đều duy trì thói quen đầu tư một phần tích lũy thông qua quỹ mở. Ở Mỹ, hơn 45% hộ gia đình đầu tư vào sản phẩm chứng chỉ quỹ mở. Hay quy mô tổng tài sản ròng của các quỹ mở ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc chiếm hơn 60% GDP .
Lợi thế của quỹ mở là khả năng nắm giữ nhiều loại tài sản, hoặc danh mục đa dạng các cổ phiếu niêm yết được chuyên gia quỹ chọn lọc kỹ lưỡng. Khi thị trường tăng điểm, quỹ mở được quản lý hiệu quả sẽ mang về lợi nhuận vượt trội cho nhà đầu tư.
Ngược lại, trong các giai đoạn rủi ro lớn, mức sụt giảm của quỹ mở thường thấp hơn so với mức giảm chung của thị trường. Điều này cho thấy sức mạnh của lãi kép và khả năng quản trị rủi ro sẽ tạo nên lợi thế khác biệt mà quỹ mở mang lại trong dài hạn.
"Nếu nhà đầu tư đạt được lợi nhuận rất cao trong những năm trước đó, nhưng chỉ cần 1 năm mất đi một nửa lợi nhuận, họ sẽ thấy được sức mạnh của lãi suất kép được duy trì trong khoảng thời gian 5-10 năm luôn mang lại kết quả hoàn toàn khác biệt", bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ VINACAPITAL-VESAF nói.
Thống kê trên nền tảng Fmarket.vn, nhiều quỹ mở trên nền tảng này đều ghi nhận lợi nhuận 3 năm gần nhất ấn tượng. Dẫn đầu là quỹ cổ phiếu VINACAPITAL–VESAF với lợi nhuận bình quân hàng năm, trong ba năm gần nhất đạt 28.47%.
Nếu chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận một số quỹ mở còn ghi nhận mức tăng 30%, vượt trội hơn hẳn với chỉ số VN-Index (tăng 16,64%) như VCBF-MGF (30,57%), VINACAPITAL-VESAF (29,61%), DCDS (28,16%) và SSI-SCA (27,74%)...
nguồn: Vnexpress
-
Tự tin với làn da tươi trẻ tuổi trung niên nhờ bí quyết sau
-
Tóc óng ánh "hút hồn" siêu mẫu thế giới
-
Bước đột phá của ngân hàng bán lẻ chưa thực sự diễn ra
-
Mê mẩn 5 màu sắc siêu hấp dẫn của iPhone 14 Max
-
Giãn thuế nộp tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp “leo cột mỡ” lấy quà
-
Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong xây dựng, sửa đổi luật
-
Làm liều, chủ đầu tư Dự án Goldsilk Complex bị phạt nặng
-
Trong năm 2022, xu hướng đi du lịch kiểu 'chơi lớn'
-
8 tháng đầu năm 2022: Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ nét
-
Nhiều khu công nghiệp vẫn loay hoay với bồi thường, giải phóng mặt bằng